Phụ nữ trong gia đình

Đối với người Việt Nam, gia đình là nơi duy trì, bảo tồn nòi giống, là môi trường đầu tiên cho việc nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành nhân cách mỗi con người, cũng là nơi các giá trị văn hóa được tiếp nôi và trao truyền. Chủ đề  “Phụ nữ trong gia đình” là câu chuyện về người phụ nữ từ khi bước vào cuộc sống hôn nhân, thực hiện thiên chức làm mẹ và một người vợ biết tổ chức cuộc sống gia đình.  Đồng thời, các giá trị truyền thống được giới thiệu qua các nghi lễ, tập tục, tri thức và kinh nghiệm dân gian trong hôn nhân, sinh đẻ và chăm lo cuộc sống gia đình của Phụ nữ Việt Nam.

Chủ đề Phụ nữ trong gia đình có 3 nội dung chính:

Một góc trưng bày chủ đề Phụ nữ trong gia đình

Hôn nhân

“Vợ chồng như đũa có đôi”

– Tục ngữ Việt Nam –

Hôn nhân là điểm khởi đầu của cuộc sống gia đình. Thông qua những nghi lễ, tập tục trong đám cưới của các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng giới thiệu 2 hình thái hôn nhân tồn tại ở nước ta là: hôn nhân phụ hệ và hôn nhân mẫu hệ.

Hôn nhân phụ hệ

Đa số các tộc người ở Việt Nam sống theo chế độ phụ hệ: Việt, Dao, Thái, Xinh-mun, Bru -Vân kiều, Ta-ôi, Mạ, Hoa… Dù là gia đình lớn trước kia hay gia đình nhỏ ngày nay, người chồng, người cha có vị thế quan trọng hơn và được được coi là trụ cột của gia đình. Vì thế, trong hôn nhân, nhà trai đóng vai trò chủ động. Lễ cưới diễn ra tại nhà trai và cô dâu chuyển đến cư trú với gia đình bên chồng. Việc cưới hỏi thường trải qua 3 bước chính: lễ dạm hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt. Sau đám cưới, cô dâu sẽ về lưu trú tại nhà chồng.

Hôn nhân mẫu hệ

Khác với hôn nhân phụ hệ, trong gia đình mẫu hệ, người đàn bà cao tuổi nhất lại có ảnh hưởng lớn hơn cả và có quyền quyết định trong đời sống gia đình. Tuy mỗi tộc người có tập tục cưới hỏi riêng, nhưng các cư dân mẫu hệ đều có những đặc điểm chung, như: chàng rể cư trú đằng vợ, các con mang họ mẹ, con gái thừa kế gia tài… Để hỏi chồng cho con gái và đưa con rể về, nhà gái phải đền bù của cải cho nhà trai dưới hình thức lễ vật cưới được thỏa thuận giữa hai bên.


“Tôi là con gái Hà Nội, gia đình tôi còn giữ hầu hết các nghi lễ truyền thống. Nhớ lại khi ăn hỏi tôi năm 1962, đoàn nhà trai họ sang đông lắm. Lễ vật được đựng trong tráp, số lượng thì tôi không nhớ rõ nhưng còn có cả một con lợn sữa quay! Trong tráp có nhiều đồ lễ truyền thống như trà, thuốc lá, trầu cau, hạt sen, rượu; còn có cả bánh cốm, bánh xu xê và tiền nữa”

-Trích câu chuyện thuyết minh tự động về lễ ăn hỏi của Người Việt-


 

Sinh đẻ

Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ 
– Ca dao Việt Nam-

Nhu cầu có con

Với quan niệm con cái là tài sản của mỗi gia đình và để duy trì nòi giống dòng họ qua các thế hệ nên ở Việt Nam rất coi trọng việc có con. Có rất nhiều cách để người ta thể hiện niềm mong mỏi có con sau khi kết hôn, nhất là với những người gặp hiếm muộn. Nghi lễ cầu tự đến nay vẫn còn phổ biến ở nhiều tộc người. Ở người Việt, nhiều đôi vợ chồng muộn sinh con thường đến làm lễ ở chùa, đền hay miếu. Một số tộc người mời thầy cúng tiến hành nghi lễ tại nhà. Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ phải kiêng cữ và thực hiện nhiều nghi lễ để bảo vệ mình và thai nhi.

Bộ vòng cầu tự, nhóm người Hmong Xanh, Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình

Bùa cầu an thai của dân tộc Việt, Duy Tiên, Hà Nam

Bùa cầu an thai của dân tộc Việt, Vụ Bản, Nam Định

Mang thai

Ngày nay, với sự tiến bộ của y tế, các bà mẹ mang thai có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ. Trước khi sinh, phụ nữ cũng thực hiện một số tập tục đã được lưu truyền trong dân gian như ăn cháo vừng để dễ sinh ở người Việt, Người Hmong và người Dao mời thầy cúng đến làm phép khi khó đẻ, người Thái bôi hạt vừng giã nát lên bụng… Việc sinh con của người phụ nữ từ trước năm 1960 cho đến nay cũng có nhiều thay đổi. Trước kia, phụ nữ thường sinh con tại nhà hoặc trong rừng, đẻ đứng hay đẻ quỳ theo tập tục. Nhưng đa phần hiện nay họ sinh con ở trạm xá, bệnh viện.

Chăm sóc sản phụ

Ở Việt Nam, hầu hết sản phụ đều có tục ở cữ sau sinh. Có nơi thời gian ở cữ kéo dài một tuần, có nơi một tháng, thậm chí có nơi sản phụ ở cữ trong vòng 100 ngày. Đây là thời gian có nhiều kiêng cữ về ăn uống, lao động và chăm sóc đối với sản phụ. Ở người Việt, quả đu đủ non, quả mít non và hoa chuối là thức ăn hằng ngày của các sản phụ ít sữa. Người Chăm và người Việt ở miền Trung thường nằm sưởi than và xông mặt trong tháng đầu tiên sau sinh. Người Thái ngồi xông than và sưởi lửa bên bếp 7 – 10 ngày.


“Ở Tam Kỳ, Quảng Nam quê tôi, xông than sau khi sinh vẫn còn phổ biến lắm. Mẹ chồng là người hướng dẫn tôi cách xông. Mẹ hoặc chồng thường chuẩn bị và quạt than cho tôi xông. Mỗi ngày tôi xông 3 lần sau các bữa ăn sáng, trưa, tối. Tôi nằm úp bụng xuống giường, khi than tàn mới kết thúc công việc xông. Tôi xông được hơn một tháng thì thôi, những cũng có người xông kỹ phải hết thời gian ở cữ là 3 tháng.”

– Trích câu chuyện thuyết minh tự động về phương pháp xông than của sản phụ-


 

Cuộc sống gia đình

Sự đảm đang, tài khéo và vai trò của người phụ nữ trong gia đình không chỉ thể hiện qua thiên chức làm vợ, làm mẹ mà đó còn là khả năng tổ chức cuộc sống gia đình và tham gia vào lực lượng lao động ở nông thôn và thành thị.

Nông nghiệp

Ở nông thôn những vùng đồng bằng, phụ nữ thường tham gia trồng lúa nước. Những công đoạn như chọn giống, thu hoạch thậm chí cày bừa đều được phụ nữ thực hiện. Do điều kiện địa hình, phụ nữ ở các dân tộc miền núi lại có truyền thống canh tác nương rẫy. Trên nương rẫy thường trồng nhiều loại cây khác nhau: lúa, ngô, sắn, bầu bí, ớt, bông… Phụ nữ nhiều nơi còn tham gia đánh bắt, hái lượm để tạo ra nguồn thực phẩm quan trọng thường ngày. Hái lượm được tiến hành quanh năm. Sản phẩm chính là rau rừng, măng, hoa quả, nấm, mật ong và cây thuốc.

Thủ công

Nghề dệt vải thủ công có ở đa số các dân tộc. Phụ nữ là người trồng bông, trồng chàm, nuôi tằm, dệt vải và chăm lo may vá cho cả gia đình. Ngay từ nhỏ, các bé gái đã học dệt, may vá, thêu thùa từ bà, mẹ hay từ chị gái. Trước khi cưới, cô gái tự may y phục cho mình và làm nhiều đồ vải để tặng cho nhà chồng. Với phụ nữ Chu-ru ở Lâm Đồng và Chăm ở Bình Thuận, nghề làm gốm đất nung truyền thống không dùng bàn xoay vẫn được duy trì. Sản phẩm làm ra thường là những đồ gia dụng thiết yếu, đôi khi còn để bán tăng thêm thu nhập.

Buôn bán nhỏ

Buôn bán nhỏ là cách kiếm sống có từ lâu đời ở một số tộc người như: Việt, Hoa, Chăm; hoạt động chuyên nghiệp hoặc khi nông nhàn. Hàng hóa gồm nông sản, vật dụng sinh hoạt, sản phẩm thủ công, hàng ăn uống… Có thể bán hàng ở chợ hay tại nhà, đi rong… Chợ thường họp theo phiên, riêng ở đô thị thì họp hàng ngày. Đa phần người bán hàng là phụ nữ. Hiện nay, hoạt động buôn bán nhỏ đa dạng hơn, phát triển ở cả vùng nông thôn hẻo lánh, thu hút ngày càng nhiều phụ nữ sử dụng các phương tiện như xe đạp, xe máy, ôtô, kể cả điện thoại di động.

Nuôi dạy con

Thiên chức làm mẹ được thể hiện rõ qua việc nuôi dạy con cái. Người mẹ dạy con qua các bài hát ru, kể chuyện cổ tích, các đồ chơi, trò chơi mang tính giáo dục, các vật dụng nhỏ vừa sức để hướng dẫn trẻ em làm quen dần với lao động. Nếu là bé gái, bé sẽ theo mẹ tập làm việc nhà để sau này đảm đang được như mẹ. Trong xã hội ngày nay, cả hai bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái.