Chuyện tình qua hai thế kỷ

Home / Chuyện tình qua hai thế kỷ
Chuyện tình qua hai thế kỷ

Đó là câu chuyện tình đẹp của bà Hồng Minh và ông Hồ Toàn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hai ông bà cùng tham gia các chiến dịch và họ đã đến với nhau. Lễ cưới đã được tổ chức năm 1952 tại ATK Thái Nguyên, nơi đơn vị bà đóng quân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những bức thư, tấm ảnh là động lực tiếp sức cho hai người cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Là con gái đất Hà Thành bà Nguyễn Thị Hồng Minh được ăn học đầy đủ nhưng hình ảnh những người dân đói, khổ nằm chết đói trên hè phố bị khênh lên xe bò kéo đi hoặc những người dân đi phá kho thóc bị giặc tuốt gươm chém, luôn ám ảnh bà.

Năm 1947 gia đình bà tản cư lên Phúc Yên, tại đây bà đã tham gia phong trào phụ nữ. Năm 20 tuổi bà nhập ngũ và được cử vào Đội điều trị 2, lúc đó đóng tại dốc Bùa, chân núi Tam Đảo. Nhiệm vụ chính là chăm sóc thương binh và lo hậu cần trong chiến dịch Trần Hưng Đạo. Như duyên trời đã định, tại chiến dịch này, bà đã gặp ông Hồ Toàn-một cán bộ quân y. Trong thời gian tham gia chiến đấu cùng nhau bà rất khâm phục ông, một người cán bộ lịch thiệp, giỏi giang chuyên môn y học và thông thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Hai người từ cảm mến, khâm phục rồi đến tình yêu. Bà Hồng Minh hồi tưởng “Tình yêu của chúng tôi dựa trên tinh thần nghiêm trang, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau”. Đám cưới của ông bà dự định vào ngày 26/12/1951, thiệp mời đã gửi cho bạn bè, nhưng đến sát ngày cưới bà Hồng Minh được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hoà Bình. Khi đó, ông Hồ Toàn, chồng sắp cưới đang công tác ở xa, không kịp liên lạc để hoãn cưới, bà xin để lại bức thư xin lỗi vội vàng. 

Trước khi lên đường thủ trưởng Cục quân y biết bà sắp cưới liền hỏi “Đồng chí có phân vân gì không?” Ngập ngừng một lúc bà trả lời “Đồng chí cứ yên tâm, Tổ quốc là trên hết”. Với bà, suy nghĩ “Tổ quốc còn thì tình yêu mới tồn tại”. Ý nghĩ đó khiến bà nhanh chóng đưa ra quyết định lên đường tham gia chiến dịch Hoà Bình cuối năm 1951 đầu năm 1952. Đây được coi là cuộc tập dượt lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.

Theo lịch đã định, ông Hồ Toàn chuẩn bị lễ cưới từ Cao Bằng về Thái Nguyên đón dâu. Đoàn đón dâu về tới nơi thì bà đã đi chiến dịch. 

Ở ngoài tiền phương bà Hồng Minh đã nhận được 23 trang thư của ông Hồ Toàn, viết động viên, trong đó có đoạn:

“Em ơi em chớ có lo!

Kiến trong miệng chén khó bò đi đâu

Vì em anh phải nhỡ tàu

Xuân này ta sẽ gặp nhau: “em… đền!”. 

Ông bà đã hẹn ước khi nào giặc tan sẽ trở về làm đám cưới. Sau hơn ba tháng chiến đấu ác liệt, gian khổ, chiến dịch Hoà Bình kết thúc. Chiến dịch chung của cả dân tộc đã thắng lợi, bà xin đơn vị về phép để thực hiện “chiến dịch của đời mình”. Cuối cùng đám cưới cũng được tổ chức vào ngày 20/3/1952 tại bệnh viện Phó Đức Thực ở ATK Thái Nguyên. 

Bà Hồng Minh và ông Hồ Toàn thương nhau, yêu nhau sau này là vợ chồng, nhưng thời gian xa cách dài đằng đẵng. Ông đi biền biệt hết mặt trận này tới mặt trận khác, có khi cả năm mới có một lần gặp mặt. Nhiệt huyết đi theo cách mạng không biết từ lúc nào đã trở thành câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ trao gửi trong từng cánh thư. Ông bà đã gửi cho nhau 275 bức thư tình từ năm 1951đến năm1971, mỗi lá đều được đánh số cẩn thận. 

Trái ngọt của câu chuyện tình yêu đó là bốn người con lần lượt ra đời trong kháng chiến, cũng chỉ qua những cánh thư tay. Bà Minh kể lại “Khi anh đi, con chưa có mặt trên đời, khi anh về đã có đứa biết lẫm chẫm chạy đi, bi bô gọi bố”.

Khi về hưu, đến năm 1980 vợ chồng ông bà mới được đoàn tụ. Năm 2002, nhân dịp 50 năm ngày cưới, các con đã tổ chức Lễ kỷ niệm thật long trọng và ý nghĩa để ghi dấu cuộc tình qua hai thế kỷ. Trong căn nhà nhỏ của ông bà luôn ngập tràn những hình ảnh của hai vợ chồng. Đến tuổi gần đất xa trời tài sản quý giá nhất đối với bà Hồng Minh là hàng trăm tấm ảnh, bức thư tình mà hai vợ chồng đã chắt chiu và gìn giữ. 

Chúng tôi, những cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thật may mắn khi được tiếp xúc với bà Hồng Minh, người phụ nữ đã từng trực tiếp tham gia phục vụ các chiến dịch, được lắng nghe những hồi ức, kỷ niệm tình yêu và tiếp xúc với những hình ảnh, hiện vật đã từng gắn bó với bà, chúng tôi thật sự trân trọng và dâng trào cảm xúc.

Nhìn thấy, được đọc và cầm nắm trong tay những hiện vật nhưng để làm sao sưu tầm được thì không phải đơn giản, nhất là nó là tài sản quý đối với bà. Chúng tôi đã đi lại rất nhiều lần, tạo lòng tin, kiên trì thuyết phục, sau rồi bằng tấm lòng chân thành, bà đã tin tưởng giao cho chúng tôi “khối tài sản vô giá” của mình. Về tới bảo tàng, chúng tôi cũng đã nỗ lực tư liệu hoá, lập hồ sơ khoa học để duyệt nhập kho cơ sở, với mong muốn làm sao những tư liệu quý được bảo quản trong môi trường tốt nhất của bảo tàng và chọn đưa ra trưng bày để giới thiệu cho công chúng về một tình yêu đẹp gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Một trong số gần 300 tài liệu, hiện vật của bà Hồng Minh đã được trưng bày trong triển lãm “ Ký ức Điện Biên” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2014). 

In hac habitasse platea dictumst. Proin gravida semper elit ac sagittis. Aenean pellentesque, lorem at egestas facilisis, nisl erat hendrerit quam, a egestas eros massa at est. Pellentesque sit amet elit eu erat lobortis malesuada ut ac lectus. Vestibulum ante ipsum primis in faucibus orci luctus et ultrices posuere cubilia Curae; Sed vulputate mauris ut quam tincidunt fringilla. Morbi vitae sem tempus tortor convallis vulputate id nec neque. Nunc tristique dolor non ipsum fermentum, vel aliquet nibh feugiat. Aenean quis massa sed sapien maximus aliquet. Cras in tincidunt ligula. Duis urna elit, elementum ut nulla sit amet, bibendum consectetur velit. Nam malesuada augue nisi, vel interdum lectus dapibus nec.

Leave a Reply

Your email address will not be published.