Thời trang nữ

Trưng bày giới thiệu những thông tin đa đa dạng về thời trang và nghệ thuật tạo hoa văn thể hiện trên những bộ trang phục độc đáo với các kỹ thuật đặc trưng của mỗi dân tộc ở Việt Nam. Nghệ thuật làm đẹp của phụ nữ các dân tộc qua việc sử dụng đồ trang sức, trang điểm; tục nhuộm răng và ăn trầu cũng được khắc họa rõ nét qua các sưu tập trâm, vòng cổ, hoa tai, vòng tay, xà tích… góp phần tôn thêm vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà của người phụ nữ Việt Nam

Chủ đề Thời trang nữ gồm 3 nội dung chính

Thời trang và nghệ thuật tạo hoa văn

Nghệ thuật tạo hoa văn 

Việt Nam có 54 dân tộc với thời trang và nghệ thuật tạo hoa văn đặc trưng, độc đáo, thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó là minh chứng  cho sự sáng tạo, xu hướng thẩm mỹ và công sức của phụ nữ ở các dân tộc tại Việt Nam. Trong quá khứ, trang phục được làm bằng tay từ các nguyên liệu tự nhiên. Tuy nhiên, thời trang và xu hướng làm trang phục cũng biến đổi theo thời gian cùng với sự giao lưu. Hiện nay, sự thay đổi càng ngày càng nhanh, đặc biệt ở người Hmông và người Dao vùng núi phía Bắc. Vải công nghiệp, len và phẩm màu hoá học được sử dụng rộng rãi.

Vật liệu và các kỹ thuật tạo hoa văn

Các nguyên liệu tự nhiên như vải sợi bông và tơ tằm được sử dụng phổ biến để tạo hoa văn và may trang phục lễ hội. Phụ nữ Hmông còn có truyền thống dệt vải lanh. Màu chàm được sử dụng rộng rãi ở các tộc người, tuy nhiên người Pà Thẻn, Lô Lô Hoa và Hmông Hoa có những bộ y phục đặc biệt rực rỡ. Trên một sản phẩm có thể có nhiều kỹ thuật trang trí khác nhau, như thêu, đáp vải, batik… Mỗi tộc người thường có những kỹ thuật đặc trưng.


” Năm 20 tuổi, tôi làm chiếc váy này từ sợi bông tự trồng. Tôi se sợi từ bông rồi nhuộm màu từ cây rừng: màu đen từ lá cây arùm, màu vàng từ rễ cây arác… Tôi ngồi xuống sàn, buộc một đầu của khung dệt vào sau lưng, đầu kia đẩy bằng chân cho sợi căng ra để dệt vải…”

Bà Kăn Cường, dân tộc Tà Ôi, Thừa Thiên – Huế


 

Thêu

Thêu là kỹ thuật phổ biến ở các tộc người miền núi phía Bắc. Các bà, các mẹ, các chị có thể mang đồ đi theo và thêu ở bất cứ đâu: ở nhà, trên nương, khi đi chợ, đi chơi… Các bé gái học thêu từ rất sớm, 12-13 tuổi đã thêu thành thạo. Các mẫu thêu truyền thống được ghi nhớ trao truyền từ đời này sang đời khác, kết hợp với các mẫu hoa văn hiện đại. Người Hmông thêu chéo mũi tạo những dấu nhân. Người Dao và người Thái chủ yếu sử dụng kỹ thuật thêu luồn sợi và vắt chỉ.

 

Batik

Kỹ thuật Batik được sử dụng phổ biến ở người Hmông và Dao Tiền. Người ta vẽ lên vải các hoạ tiết bằng sáp ong đã đun nóng chảy.

Dụng cụ vẽ là loại bút đặc biệt có ngòi cong bằng đồng hoặc một số khung dập hình tam giác, những ống tre nhỏ. Khi sáp khô, vải được đem nhuộm chàm nhiều lần, sau đó nhúng vào nước sôi cho sáp tan hết. Các họa tiết sáng màu đã được bao bằng sáp để bảo vệ trước khi nhuộm sẽ xuất hiện trên nền vải chàm sẫm.

Đáp vải

Là kỹ thuật tạo các hoa văn bằng nhiều miếng vải màu nhỏ khâu lên trên một tấm vải nền. Vải để đáp có các màu khác nhau, được cắt hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, dải băng… sau đó khâu đáp lên vải nền, mũi khâu giấu ở mặt sau không để lộ đường chỉ. Kỹ thuật đáp vải phổ biến ở một số tộc người miền núi phía Bắc như người LôLô, Pu Péo…, tuy nhiên mỗi dân tộc lại có những kiểu ghép riêng. 

Ikat

Sợi được căng lên khung, người ta dùng xơ vỏ cây hoặc nilon buộc bao xung quanh ở những đoạn sợi khác nhau trước khi đem nhuộm. Các phần sợi được bao sẽ không bắt màu. Quy trình bao – nhuộm lặp lại nhiều lần để tạo những sợi đa sắc. Sợi này chủ yếu được dùng làm sợi ngang để dệt nên tấm vải. Kỹ thuật ikat phổ biến ở người Thái Đen, Khơ-me, Ba-na… Hoa văn ikat có vẻ đẹp rất riêng nhờ các đường biên mờ.

Hoa văn dệt

Để tạo hoa văn, người ta thêm một sợi ngang khác biệt với sợi nền. Sợi ngang bổ sung này được chèn giữa làn sợi dọc theo hai kỹ thuật khác nhau: hoặc sợi chạy xuyên suốt chiều ngang khổ vải, hoặc chỉ ở vị trí dự định trang trí. Người dệt thao tác trên mặt trái tấm vải. Khung dệt có thể là loại khung cửi lớn đạp chân, như của người Thái, người Mường, hoặc loại buộc lưng kiểu inđônêdiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên.

Thời trang Việt  

Ở Bắc bộ, váy và áo tứ thân là y phục phổ biến của phụ nữ đến đầu thế kỷ XX. Ở Nam bộ áo dài ngũ thân được mặc từ thế kỷ XVIII, quần áo bà ba phổ biến từ cuối thế kỷ XIX. Những năm 1930, hoạ sỹ Cát Tường ở Hà Nội đã cải tiến từ chiếc áo tứ thân của Bắc bộ và áo ngũ thân của Nam bộ thành áo dài. Từ đó chiếc áo dài Việt Nam dù trải qua bao lần cách tân, tà áo lúc dài đến bắp chân, lúc chỉ ngắn ngang đầu gối, rồi lại dài xuống chấm gót…Tuy nhiên hình dáng chiếc áo về cơ bản vẫn giữ nguyên, trở thành biểu tượng của phụ nữ Việt Nam và là di sản văn hóa Việt Nam.

Trang sức trang điểm

Phụ nữ thường làm đẹp với  đồ trang sức, vòng tay, vòng cổ, hoa tai, ghim, mũ được làm từ những nguyên vật liệu khác nhau, kiểu dáng và hoạ tiết trang trí mang phong cách từng vùng, từng tộc người. Không chỉ để làm đẹp, trang sức còn được sử dụng với ý nghĩa trừ tà, bảo vệ sức khỏe, cầu mong may mắn hay thể hiện địa vị xã hội của chủ nhân. Hiện nay, trang sức có nhiều kiểu dáng, chất liệu, hoa văn trang trí phong phú hơn nhưng nhiều phong cách truyền thống vẫn được kế thừa.

 

Trang điểm đầu

Ở Việt Nam, phụ nữ thường đội nón, mũ, khăn và cài trâm lược… Phụ nữ Dao Thanh Y và Dao Làn Tẻn thường đội mũ có gắn nhiều bạc hoặc nhôm. Phụ nữ Dao Đỏ đội khăn màu đỏ có nhiều dây tua trang trí. Phụ nữ Dao Thanh Phán ở Quảng Ninh cạo tóc, bôi sáp ong lên đầu và đội mũ. Phụ nữ Hmông Hoa dùng len hoặc bông tết thành sợi độn vào tóc vấn lên đầu.

Trang sức

Trang sức thường được sử dụng là trâm, hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích; bằng bạc, nhôm, đồng, mã não, hạt cườm, xương, ngà voi. Phụ nữ một số tộc người vùng Trường Sơn Tây Nguyên trước đây thường đeo những chiếc vòng lớn độc đáo, làm bằng sợi đồng xoắn ốc dài từ cổ tay, chân lên đến bắp.  Vòng cổ của họ là các chuỗi hạt cườm nhiều màu hoặc hạt mã não. Hoa tai làm bằng lồ ô, ngà voi, xương…

Phụ nữ ở vùng miền núi phía Bắc ưa chuộng các trang sức bằng bạc, với các họa tiết trang trí hình học, hoa lá, hình động vật… vừa tránh gió, vừa thể hiện sự giàu sang.  Người Việt ở đồng bằng đánh giá cao trang sức bằng vàng, bạc, ngọc…


Năm lên 10 tuổi, bố tặng cho tôi chiếc vòng đồng này. Vòng được quấn hình xoắn ốc, đeo từ cổ tay dài lên đến bắp tay. Trong làng chỉ có một vài người biết quấn kiểu vòng này và mọi người nhờ đến họ… Với người Cơtu chúng tôi, đây là tài sản lớn, ngày trước giá quy đổi 1 chiếc vòng tương đương với 1 hoặc 2 con trâu”

Bà TơNgôlDhéh, dân tộc Cơtu, tỉnh Quảng Nam 


 

Xà tích bạc, dân tộc Thái, Nghệ An

Xà tích bạc, dân tộc Thái, Nghệ An

Nhuộm răng và ăn trầu

Răng đen

Cho đến giữa thế kỷ XX, nam nữ người Việt còn nhuộm răng đen bằng bột nhựa cánh kiến. Người Thái, Kháng, Lào, Lự đốt cành cây may cu, may tửu hay may me cho nhựa chảy xuống một mảnh kim loại hoặc ống tre, thêm một ít nước rồi mài đều tạo độ dính để nhuộm răng. Buổi tối trước khi đi ngủ, người ta làm sạch răng, rồi dùng tay quệt nhựa bôi vào răng 3-4 lần. Cách 2-3 ngày họ nhuộm lại cho răng đen bóng. Trước kia, răng đen là một tiêu chuẩn về vẻ đẹp của phụ nữ; các cô gái 12-13 tuổi đã bắt đầu nhuộm răng. Ngày nay chỉ những người cao tuổi còn có răng đen.

Phụ nữ dân tộc Lư ở Lai Châu

Ăn trầu 

Ở nhiều dân tộc của Việt Nam, trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong hôn nhân, tang ma và các dịp nghi lễ. Nhai trầu vẫn là thói quen hàng ngày của một số người ở nông thôn.

Một miếng trầu gồm có: mảnh lá trầu quệt vôi, miếng cau có hạt, có thể có thêm miếng vỏ cây và thuốc lào. Đồ dùng cho ăn trầu thường gồm các loại như: tráp, khay hoặc mủng đựng trầu, bình vôi, dao và chìa vôi, ống nhổ. Người Tày, người Mường thường dùng túi vải để đem theo đồ ăn trầu, dùng mo cau bọc vải để cuộn lá trầu giữ cho tươi lâu. Người già dùng cối giã trầu cho mềm trước khi nhai.

  


“Dân gian cho rằng bình vôi là thần giữ của nên mẹ tôi giữ nó rất cẩn thận ở nơi kín đáo. Khi têm trầu, bà dùng chìa vôi (phần đầu dao cắm trong bình vôi) để lấy vôi quệt vào lá trầu cùng một miếng cau và cuộn lại thành miếng. Mỗi lần lấy vôi têm trầu, một ít vôi dính vào miệng bình rồi khô lại, lâu ngày miệng bình dày lên…”

Bà Võ Thị Thí, Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh