Ký ức về Mẹ và Trái tim người lính
Sáng ngày 16/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra sự kiện với chủ đề “Mẹ và Trái tim người lính” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB Trái tim người lính, Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng và Tạp chí Môi trường và Đô Thị tổ chức. Sự kiện gồm 3 hoạt động chính: Triển lãm “Mẹ”, giới thiệu các bức ảnh của Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng; Lễ trao tặng hiện vật của những người lính năm xưa và Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và CLB Trái tim người lính. Đây không chỉ là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam mà còn là kết quả của sáng kiến kết nối, xây dựng mạng lưới sưu tầm cho công tác chuyên môn của Bảo tàng suốt thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay.
Hình ảnh Mẹ và chiến sĩ không thể tách rời, bởi nếu không có những người mẹ, người vợ ở nhà động viên, chăm sóc gia đình thì những người lính khó lòng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc ở nơi xa. Đặc biệt, trong bối cảnh các cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ tại Miền Trung hy sinh trong cơn bão lũ, thì ta lại càng thấm thía hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ dù trong thời chiến hay thời bình, luôn xả thân mình vì nhân dân. Những người vợ, người mẹ, người con của họ, dù trong quá khứ hay hiện tại vẫn còn đó những nỗi đau mất đi người thân yêu. Những người lính và hậu phương ấy đã và đang viết nên nhiều câu chuyện cảm động, đáng trân quý. Đó cũng là lý do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lựa chọn chủ đề “Mẹ và Trái tim người lính” để gửi sự tri ân đến các thế hệ những chiến sỹ và các thế hệ phụ nữ Việt Nam.
Triển lãm “Mẹ” mang đến nhiều miền ký ức về những người Mẹ Việt Nam bình dị, chân thật và đầy xúc cảm. 90 bức ảnh là những khoảnh khắc đẹp của các Bà, các Mẹ – những người mà tác giả đã được gặp gỡ nhờ chữ duyên, để rồi ghi lại hình ảnh và những lời tự sự bằng trái tim của một người lính. “Trong quãng đời tác nghiệp, tôi được gặp gỡ, được tâm sự với các bà, các mẹ và ghi lại hình ảnh đó. Tôi vô cùng hạnh phúc khi Bảo tàng đã đồng hành tổ chức triển lãm thật chuyên nghiệp, tình nghĩa, giúp đưa các Mẹ đến gần hơn với chúng ta, để ta được đến với những lời ru, giọt sữa, cánh võng và những câu ca dao. Chân dung của các Mẹ phần nào nói lên tất cả điều đó,” tác giả Trần Hồng chia sẻ cảm xúc tại sự kiện.
Hành trình kết nối, mở rộng mạng lưới sưu tầm của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mang đến thật nhiều giá trị về những kỷ vật, ký ức chiến tranh của những người lính và những người phụ nữ, người mẹ, người vợ qua góc nhìn của họ. Bảo tàng đã may mắn nhận được sự tin yêu của các nhân chứng lịch sử, khi họ gửi tặng những tài liệu, hiện vật quý, là những dấu ấn, ký ức không bao giờ phai được nâng niu, lưu giữ cả cuộc đời như giấy báo tử của bố, những lá thư của mẹ, của vợ, sổ ghi chép… Những kỷ vật ấy cùng những hiện vật mà Bảo tàng đã dày công sưu tầm từ nhiều năm qua sẽ kể cho nhiều thế hệ mai sau nghe những câu chuyện, ký ức về một thời hoa lửa để ta thêm trân trọng hòa bình và sự hy sinh của các thế hệ đã từng đi qua chiến tranh.
Không chỉ có cơ hội được tiếp nhận nhiều tài liệu hiện vật quý giá, mà Bảo tàng còn song hành cùng những người lính trên con đường tìm kiếm, lưu giữ và giới thiệu những hiện vật còn lại của một thời đạn bom. Việc ký kết hợp tác với CLB Trái tim người lính là bước đi sáng tạo, năng động và đổi mới của Bảo tàng trong công tác chuyên môn, cũng như thể hiện sự chung tay, đồng lòng của những người lính khi đã lựa chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là đơn vị phối hợp để thực hiện sứ mệnh tri ân tới các thế hệ người lính Việt Nam và hậu phương của họ.
Có người thân từng là liệt sỹ nơi chiến trường năm xưa, bà Hoàng Thị Ái Nhiên – Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam không khỏi xúc động khi được ngắm nhìn những bức ảnh về các Mẹ và lắng nghe chia sẻ của những người lính thời đại Hồ Chí Minh. Bà hoan nghênh sự đổi mới trong hoạt động chuyên môn của Bảo tàng, đồng thời ghi nhận sự phối hợp và mong muốn phát triển nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa giữa hai bên. “Sự kiện hôm nay rất ý nghĩa, giúp chúng ta nhớ đến truyền thống giữa quân và dân, giữa phụ nữ và bộ đội cụ Hồ. Đó là tình cảm gắn bó đã được thể hiện nhiều qua các bài thơ, bài hát… Nhưng có lẽ vẫn chưa thể nói được hết tấm lòng của những người Mẹ, người chị, em gái, vợ, con với những người con, người chồng, người cha và người anh mình là những người lính. Việc tiếp nhận hiện vật và ký kết với CLB Trái tim người lính giúp khơi dậy và cho thấy truyền thống quý báu của thế hệ đi trước, để các thế hệ sau học tập, noi gương, lưu giữ rồi bồi đắp, phát huy.”
Với những hoạt động này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mong muốn lan tỏa nhiều hơn giá trị về lịch sử, tâm hồn tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.