Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”, lan tỏa tình yêu với di sản văn hóa Hà Nội

Ngày 18/3/2024, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sĩ Phan Ngọc Khuê, Nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” nhằm giới thiệu và lan tỏa tình yêu di sản tới công chúng về vẻ đẹp và giá trị của một dòng tranh nổi tiếng đất Hà Thành.

Các vị đại biểu tham dự khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

Tham dự sự kiện có sự hiện diện của: Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ Thuật quốc gia Việt Nam, ông Trương Minh Tiến, chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội cùng sự có mặt của đại diện các cơ quan văn hóa – nghệ thuật, các trường Đại học, các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội.

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê, Nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Triển lãm giới thiệu 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện nằm trong bộ sưu tập của Họa sĩ Phan Ngọc Khuê, mỗi bức tranh trong triển lãm tính đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm chứa đựng rất nhiều những tâm huyết mà họa sĩ đã dày công nghiên cứu, sưu tầm. Để lan tỏa những giá trị di sản văn hóa dân tộc, họa sĩ Phan Ngọc Khuê đã trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 4 bức tranh nằm trong bộ tranh “Chiêu Quân cống Hồ”, ông chia sẻ: “Bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ là một trong những tác phẩm có giá trị xã hội rất lớn. Các nhân vật nữ được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc Nữ nhi – Anh kiệt chuyển tải được tinh thần của truyện và ý tưởng của tác giả, là ca ngợi những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhằm đề cao giáo dục về những nhân cách đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng cho người đương đại. Chúng ta có dịp nhìn lại những tấm gương cao đẹp của người xưa trong di sản văn hoá dân tộc cũng là một điều cần thiết và bổ ích”.

“Với việc trao tặng bức tranh “Chiêu quân cống Hồ” càng khẳng định thêm uy tín của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng như việc đổi mới hướng đi trong sưu tầm và lưu giữ những hiện vật gắn liền với phụ nữ Việt Nam trong dòng chảy lịch sử, tri thức, văn hóa và xã hội”, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Con gái Họa sĩ Phan Ngọc Khuê chia sẻ

Tại sự kiện công chúng cũng có cơ hội để tìm hiểu về sự nghiệp nghiên cứu, sưu tầm của họa sĩ Phan Ngọc Khuê qua lời chia sẻ của thành viên trong gia đình, chị Phan Xuân Ánh, con gái họa sĩ, xúc động chia sẻ: “Đây là những bức tranh mà bố tôi đã dành nhiều tâm huyết bảo tồn và gìn giữ trong nhiều năm, nhiều tháng. Ký ức của tôi về bộ tranh này có rất nhiều điều đặc biệt, tôi vẫn còn nhớ ba chị em tôi giúp bố tôi vẽ tranh, xé giấy…trong một khuôn viên vừa là không gian sinh hoạt vừa là xưởng vẽ bảo tồn tranh của bố tôi. Bố tôi vừa làm, vừa giảng giải về sự quý, hiếm của bộ tranh này và tất cả mọi hoạt động trong gia đình là bảo vệ bộ tranh này”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ tại sự kiện

Trân trọng những đóng góp về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc của họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói riêng và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nói chung, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ: “Với tư cách là một nhà nghiên cứu, cháu rất cảm ơn những đóng góp của họa sĩ Phan Ngọc Khuê trong việc bảo tồn, truyền bá những dòng tranh dân gian của dân tộc. Và cũng hi vọng rằng, Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ, bảo vệ và lan tỏa tình yêu tình yêu với di sản, tình yêu với văn hóa truyền thống đến với công chúng đặc biệt là các bạn trẻ”.

Các bạn sinh viên tham dự sự kiện

Buổi lễ khai mạc thu hút được rất đông các bạn sinh viên đến tham dự, đó cũng là tín hiệu tích cực trong việc thu hút thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những vốn quý của dân tộc. Triển lãm “Tranh Truyện Hàng Trống” mở cửa phục vụ công chúng tham quan từ ngày 18/3/2024 cho đến hết ngày 31/3/2024 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một số hình ảnh tại sự kiện

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê trao tặng 4 bức tranh thuộc bộ tranh “Chiêu Quân cống Hồ” cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Nghi lễ cắt băng khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

Công chúng tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

Công chúng tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”

“Chúng tôi vui lắm khi ước nguyện cuối đời được về thăm thủ đô, viếng Lăng Bác và tham quan “ngôi nhà chung” của Phụ nữ Việt Nam đã thành hiện thực!” Lời nói mộc mạc, chân thật của cô Lê Thị Hồng – thành viên trong đoàn cựu dân quân bến phà Long Đại như lời ngỏ cho những câu chuyện về một thời tuổi trẻ của những thanh niên 16, 17 tuổi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bến phà Long Đại – nơi họ sinh ra và lớn lên đã trở thành một phần quan trọng trong miền ký ức của những lý tưởng đẹp, hoài bão lớn vì độc lập, tự do của dân tộc. Năm mươi năm trôi qua, đây là lần đầu tiên họ được về với thủ đô.

Cựu dân quân bến phà Long Đại, Quảng Bình và Lãnh đại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày 27/8/2019

Dù phần lớn đã ngoài 70 tuổi, những dân quân bến phà Long Đại, Quảng Bình ngày ấy vẫn đầy nhiệt huyết, xúc cảm khi chia sẻ về những kỷ niệm thời chiến trong chuyến tham quan và gặp mặt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tại tầng trưng bày Phụ nữ trong Lịch sử, các cô, các chú đã không kìm nén nổi cảm xúc khi nhìn thấy hình ảnh quen thuộc trong quá khứ. Đó là ánh mắt đầy tự hào khi ngắm nhìn bức ảnh dân công gánh bộ được trưng bày tại bảo tàng, hay những câu chuyện tiếp nối về công việc, khó khăn gian khổ của dân quân thời chiến. Các cô, chú như những “pho sử sống” về một thời hoa lửa mà ở đó có nụ cười, tiếng hát, những vất vả, sự hy sinh và niềm tin chiến thắng. Nhiều cô đã rơi nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh những “Mẹ Việt Nam anh hùng” bởi những người mẹ của các cô cũng nằm trong số họ.

Các cô, chú cựu dân quân phấn khởi khi được về “ngôi nhà chung” của phụ nữ Việt Nam

Sau chuyến tham quan, các cô, chú đã dành thời gian gặp gỡ và chia sẻ về cuộc sống thời bình với lãnh đạo và các thế hệ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Những lời ca, tiếng hát cất lên về quê hương Quảng Bình thân thương, những câu chuyện bình dị về tình đồng chí, tinh thần chiến đấu và sự đồng lòng của nhân dân Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ một lần nữa được sống dậy trong dòng ký ức không thể quên. Và đây cũng chính là lời nhắn gửi dành cho thế hệ sau về lòng biết ơn những hi sinh, gian khổ của bao lớp người đi trước đã gìn giữ và bảo vệ cho hòa bình hôm nay.

Hình ảnh trong buổi gặp mặt của những cựu dân quân bến phà Long Đại