Bảo tàng, trường học và UNESCO chung tay gắn kết sáng kiến bình đẳng giới vào chương trình giáo dục
Lần đầu tiên một khóa tập huấn nâng cao năng lực về bình đẳng giới, các vấn đề liên quan đến giới và giáo dục trẻ em gái được tổ chức cho 2 đối tượng là giáo viên Trường Thực nghiệm Hà Nội và cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Khóa tập huấn không chỉ cung cấp cho học viên kiến thức hữu ích về giới, mà còn là dịp để hai bên hiểu được nhu cầu, khả năng của nhau, phối hợp dự thảo các hoạt động giáo dục kết nối giữa trường học và Bảo tàng.
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia Chương trình Giáo dục của UNESCO nhấn mạnh: “Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nội dung giáo dục mà các giáo viên có thể sử dụng, cả trong và ngoài lớp học, nhằm thúc đẩy các giá trị bình đẳng giới thông qua hoạt động trưng bày, sưu tầm, các chương trình giáo dục”.
Đây là khóa tập huấn có nội dung thiết kế hoàn toàn dựa trên nhu cầu thực tiễn của học viên. Kết quả đầu ra mong đợi trước hết là các kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, các vấn đề liên quan đến giới và giáo dục trẻ em gái. Từ đó lựa chọn các vấn đề đương đại gắn với các nội dung trưng bày của BTPNVN phù hợp với nội dung giáo dục trẻ em; Làm quen với cách tiếp cận giáo dục trẻ em gái thông qua giáo dục Bảo tàng.
Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, tại không gian Bảo tàng – nơi sẽ phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục về giới cho học sinh, 20 học viên đã hào hứng tham gia vào các bài tập thực hành để vừa nhận thức, vừa củng cố kiến thức và khái niệm về giới tính, giới, định kiến giới, bình đẳng giới, nhạy cảm giới, lồng ghép giới… Các vấn đề giới nói chung, giới trong ngành giáo dục, trong các lĩnh vực: gia đình, quản lý lãnh đạo, sức khỏe, vòng đời cũng được đề cập và phân tích. Khóa tập huấn đã giành một lượng thời gian thích hợp để học viên kết nối nội dung trưng bày với các chủ đề giáo dục giới cho học sinh phổ thông cơ sở bằng những phần hỏi – đáp thú vị như:
– Với nội dung trưng bày về Nhu cầu có con, các câu hỏi được thảo luận là: Vấn đề về tỉ lệ mất cân bằng giới tính hiện nay có liên quan gì đến nhu cầu này? Với những phụ nữ không có khả năng có con thì như thế nào?
– Với nội dung trưng bày Chăm sóc sản phụ, học viên thảo luận về Vai trò của nam giới trong việc sinh đẻ? Việc dưỡng thai? Những ứng xử khác nhau của người thân, nhất là người chồng đối với việc sinh con của người phụ nữ như thế nào? Thái độ và hành vi khác nhau của phụ nữ và nam giới đối với việc sử dụng biện pháp tránh thai?
– Với phần Chân dung phụ nữ đương đại, các học viên thảo luận về nhu cầu cập nhật các hình mẫu gần gũi với học sinh để các em có động lực phấn đấu, hay tự hào mình là con gái. v.v…
Khóa tập huấn là khởi đầu cho sự hợp tác để xây dựng, triển khai các chương trình giáo dục về giới giữa Trường Thực nghiệm Hà Nội với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tiếp theo sẽ là một khóa tập huấn cho học sinh, cán bộ Bảo tàng và giáo viên sẽ có vai trò hỗ trợ các em trong việc xây dựng và phát triển thông điệp về bình đẳng giới.
Nhiều chuyên gia chương trình giáo dục của UNESCO, của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) đã tham dự và hòa cùng các hoạt động trong suốt khóa tập huấn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hữu ích cho các học viên.