Sự quan tâm của Bác Hồ với Phụ nữ Việt Nam
Cứ vào ngày này, ngày 19/5 hàng năm, mỗi người dân Việt Nam lại dâng trào một cảm xúc: bâng khuâng, xúc động, tự hào khi nhớ đến Bác Hồ, vị Lãnh tụ kính yêu của nhân dân cả nước. Đặc biệt đối với nhiều phụ nữ khắp hai miền Nam Bắc đã có vinh dự và hạnh phúc lớn lao được gặp và làm việc với Bác, họ luôn khắc sâu kỷ niệm về sự quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo tận tình của Bác bằng những việc làm và hành động cụ thể. Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi muốn giới thiệu những câu chuyện xúc động, thân thương về tư tưởng và tình cảm sâu nặng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho phụ nữ Việt Nam.
Sự quan tâm của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phụ nữ và phong trào phụ nữ
Đánh giá đúng vai trò và khả năng của phụ nữ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Lý Phương Thuận, Lý Phương Đức là hai trong số 7 thiếu niên được Bác trực tiếp bồi dưỡng và đào tạo từ năm 1926 tại Quảng Châu, Trung Quốc. “Bác giảng giải những điều cơ bản nhất về làm cách mạng, về đạo đức người làm cách mạng, về tư bản, đế quốc…có ví dụ cụ thể dễ hiểu. Bác thương phụ nữ vì phụ nữ là tầng lớp bị áp bức nhất, nhất là phụ nữ các nước thuộc địa. Bác dặn: chúng ta phải tiết kiệm, ở trong nước các đồng chí cóp nhặt tiền gửi ra giúp đỡ nên ta không thể phí phạm, tiền đó là xương máu của đồng chí” (Lý Phương Thuận, Bác Hồ trong trái tim phụ nữ Việt Nam, NXB Phụ nữ, Hà Nội
Trong thời gian ở Pắc Bó, Bác Hồ đã trực tiếp dạy chữ và bồi dưỡng chính trị cho bà Nông Thị Trưng, người dân tộc Tày. Năm 1944, Bác đã gửi tặng cuốn sổ tay cho bà, trên trang đầu Người biên dịch tác phẩm Phép dùng binh của Tôn Tử và bài thơ:
Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà
Trưởng thành từ phong trào Cách mạng, nguyên Chánh án Tòa án Cao Bằng Nông Thị Trưng nhớ lại: “Bác dạy cho tôi từ chuyện thế giới, chuyện cộng sản chủ nghĩa đến cả những cách ứng xử thường ngày như “Đừng làm một việc gì có thể khiến dân mất lòng tin. Mượn một cái kim, một con dao, một buổi là phải đem trả. Trong ba lô nếu có màn, phải để ở ngoài cửa, hỏi xem chủ nhà có bằng lòng mới đem vào…. Tám tháng được Bác chỉ dạy tôi học được hơn cả mấy chục năm học lý luận tập trung sau này“.
Quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức và phong trào phụ nữ Việt Nam
Lịch sử hình thành và phát triển của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong hơn 90 năm qua không tách rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài việc ra chỉ thị cho Hội LHPNVN gia nhập Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, người cũng đặc biệt quan tâm đến các kỳ Đại hội phụ nữ, thường xuyên theo dõi động viên phong trào, góp ý báo cáo tỷ mỷ. Những lời dạy bảo của Bác vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Chuẩn bị cho Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ II, Bác góp ý với các đồng chí lãnh đạo Hội về mục tiêu phấn đấu của cán bộ Hội: “… Hội phụ nữ là tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của chị em. Hội phải đi vào quần chúng để thấy họ đang gặp khó khăn gì, được cái gì và chưa được cái gì để nghĩ cách giúp chị em giải quyết. Bản thân cán bộ nữ phải tự mình học tập nâng cao trình độ”. Với phong trào thi đua Năm tốt do Hội LHPNVN phát động tháng 3 năm 1961, Bác lưu ý phải kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước, với ba cuộc vận động lớn là “Ba xây, ba chống, “Cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp” và cuộc vận động “Đồng bào miền xuôi đi phát triển kinh tế và văn hoá miền núi”.
Quan tâm, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ phát triển, tiến bộ
Người đặc biệt quan tâm việc xây dựng đời sống văn hoá mới của phụ nữ, với những mục tiêu cụ thể: “Trong nhà ngoài vườn luôn sạch sẽ gọn gàng. Đối với xóm giềng, phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng việc nước, phải hăng hái làm gương”. Quan tâm, chăm lo đến phụ nữ, Người coi những công việc này vừa thích hợp với phụ nữ về sức khỏe và những phẩm chất của họ, đồng thời vừa tạo điều kiện để ai cũng có thể tham gia đóng góp sức mình cho gia đình và xã hội.
Những câu chuyện xúc động về sự quan tâm sâu sắc, chân thành của Bác mãi là những ký ức không phai, là niềm khích lệ, động viên to lớn đối với các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Để xứng đáng với 8 chữ vàng Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang mà Bác Hồ đã trao tặng, thế hệ phụ nữ chúng ta hôm nay xin hứa với Người sẽ viết tiếp những truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam, tích cực trên mọi mặt trận để xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.