Trà sáng với các chuyên gia về giới nhân Ngày quốc tế Trẻ em gái
Sáng 11/10, nhân dịp kỉ niệm Ngày quốc tế Trẻ em gái lần thứ 7 do Liên hợp quốc khởi xướng, Tổ chức tình nguyện viên của Úc phối hợp với Đại sứ quán Úc và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình Trà sáng nhằm mục đích nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về vấn đề bảo vệ trẻ em và về chủ đề của ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2018 là “Đồng hành cùng trẻ em gái để có lực lượng nữ lao động trình độ cao”.
Chương trình thu hút sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Úc, Giám đốc khu vực của tổ chức Tình nguyện quốc tế Úc (AVI); đại diện UNESCO Việt Nam; rất nhiều tình nguyện viên Úc hiện đang làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, chương trình có sự trò chuyện, chia sẻ của 2 chuyên gia về giới là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội và bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Chương trình Giới, Tổ chức quốc tế Plan Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình Trà sáng, các chuyên gia đã chia sẻ cởi mở những câu chuyện và trải nghiệm cá nhân của họ trong công việc, trong hành trình vượt lên chính mình để triệt tiêu dần những định kiến xã hội về giới. Cùng trao đổi về những thay đổi tích cực và những thách thức mà trẻ em gái đang phải đối mặt; những chương trình hướng tới mục tiêu hỗ trợ trẻ em gái mà các tổ chức đã và đang thực hiện.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ nữ tham gia trong lực lượng lao động hiện tại thấp hơn nam giới, lực lượng lao động nữ với trình độ kĩ thuật cao ít hơn so với nam giới. Tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm việc gia đình hoặc tự làm bên ngoài, không được tuyển dụng một cách chính thức lên đến 62% cho thấy quyền lợi lao động của phần đông nữ giới không được đảm bảo đầy đủ. Trong bối cảnh này, việc trang bị kiến thức và kĩ năng cho trẻ em gái trước khi bước vào độ tuổi lao động và tạo cho các em cơ hội học tập ngang bằng với nam giới là việc làm cần thiết.
Với ý nghĩa đó, chương trình Trà sáng đã góp phần nâng cao nhận thức trong vấn đề trang bị kĩ năng cho trẻ em gái trước tuổi lao động và vấn đề bình đẳng giới cũng như bảo vệ trẻ em, đồng thời chỉ ra những thuận lợi và thách thức các em đang phải đối mặt, kêu gọi thúc đẩy trao quyền cho nữ giới.