Kỷ vật trong tù

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Biên Hoà là một trong số các địa phương được giải phóng đúng vào ngày 30/4 lịch sử. Đúng 10 giờ ngày 30/4/1975, Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa bị quân giải phóng chiếm. Đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, quân giải phóng làm chủ hoàn toàn TX.Biên Hòa. Bên trong nội thành Biên Hòa, lực lượng cách mạng đã nổi dậy cướp chính quyền từ sáng sớm 30/4, máy ghi âm phát đi lời kêu gọi địch đầu hàng. Trước đó tối 29/4, Chi bộ chợ Biên Hòa đã cùng lực lượng quần chúng, phối hợp với các tù nhân phá trại giam, vượt ngục, giải phóng hàng trăm tù nhân chính trị bị địch bắt giam ở Nhà lao Tân Hiệp (Biên Hoà).

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu một trong những tù nhân chính trị đã được giải phóng vào thời khắc lịch sử ấy – Bà Trịnh Thu Nga, một nữ chiến sĩ hoạt động bí mật tại nội đô Sài Gòn, một nữ tù chính trị đã từng trải qua hầu hết các nhà tù lớn nhất của miền Nam thời Mỹ nguỵ như Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo, Tân Hiệp.

Một nữ cán bộ nội đô thông minh, tài trí

Bà Trịnh Thu Nga sinh năm 1938 tại Mỏ Cày, Bến Tre. Vốn thông minh, hiếu học, bà đã đỗ tú tài phần 1 vào năm 1954. Sau đó, bà học thêm đánh máy, kế toán và học viết tốc ký. Từ năm 1956, bà làm nhân viên Phòng Tốc ký và Biên bản với nhiệm vụ ghi lại toàn văn các cuộc họp Quốc hội và lập thành văn bản. Bà được tham dự các cuộc thảo luận của Ủy ban quốc phòng và Ủy ban ngân sách, đi dự một số cuộc họp quan trọng cùng dân biểu ở các tỉnh. Nhờ đó, bà có cơ hội tiếp cận và chuyển những thông tin của chính quyền Ngụy cho cách mạng qua hai người anh trai… Đến năm 1958, khi hai người anh bị bắt, bà bị theo dõi gắt gao. Việc gặp trực tiếp để trao đổi thông tin phải tạm dừng, bà chuyển sang  cung cấp thông tin qua hòm thư. Sau đó, bà được chuyển sang Tiểu ban tố cộng với nhiệm vụ ghi chép các cuộc thảo luận và lập biên bản. Cũng từ năm 1958, bà được chính thức công nhận tham gia hoạt động trong lưới tình báo với mã số 4B đoàn Z12.

Chân dung bà Trịnh Thu Nga thời thiếu nữ

Chân dung bà Trịnh Thu Nga thời trẻ

Tháng 11/1961, bà thoát ly ra vùng giải phóng, công tác ở cánh Trí vận T48, sau đó được điều về Khu ủy. Tiếp đó bà được điều về Ban tuyên huấn khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định T47, làm việc ở bộ phận cơ yếu với nhiệm vụ ghi tốc ký nội dung Đài phát thanh Hà Nội.

Năm 1963, bà được kết nạp Đảng và được đưa về nội đô Sài Gòn hoạt động. Bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cài cắm hai sỹ quan trẻ vào làm việc trong hàng ngũ của địch và thực hiện trót lọt nhiều lần đưa tin, vận chuyển tài liệu mật, vũ khí. Năm 1965, bà tham gia Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam với vai trò là Chánh văn phòng, sau đó bà tham gia Chi bộ lãnh đạo Hội phụ nữ nhân phẩm.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, bà nhiều lần đi chuyển tài liệu, súng từ Long An lên Sài Gòn. Với chiếc xe máy Yamaha, bà có thể cất được cả khẩu súng K54. Mặc dù địch lập nhiều chốt kiểm tra gắt gao nhưng bằng sự nhanh trí, khôn ngoan, bà đã vượt chốt an toàn nhiều lần.

Ngày 23/12/1968, bà bị bắt trên đường đi vận chuyển tài liệu. Bà đã nhanh trí hủy toàn bộ tài liệu cất giấu trong xe và trên người. Dù không lấy được bằng chứng, song kẻ địch vẫn bắt giam bà tại Cục An ninh quân đội. Kể từ đây, bà đã bị tra tấn dã man, bị luân chuyển qua nhiều trại giam với gần 7 năm sống trong tù ngục của Mỹ – nguỵ…

Trịnh Thu Nga (thứ hai từ phải - hàng ghế thứ hai) đang tác nghiệp trong vai trò thư ký Quốc hội

Một nữ chiến sĩ kiên trung trong ngục tù Mỹ – nguỵ

Năm 1969, địch chuyển bà lần lượt đến các nhà giam Thủ Đức, Chí Hòa và Côn Đảo. Đến ngày 23/5/1970, chúng đưa bà về Chí Hòa; ngày 4/11/1971, chuyển sang Tân Hiệp; ngày 4/6/1972 chúng đưa bà ra Côn Đảo lần 2; đầu năm 1975 lại chuyển từ Côn Đảo về Tân Hiệp.

Nhà lao Tân Hiệp (Trung tâm huấn chỉnh Biên Hòa) thực chất là trạm trung chuyển để phân loại tù nhân đưa đi các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc.  Cùng với 5 nhà lao Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Thủ Đức và Phú Lợi, Tân Hiệp được xem là nhà lao lớn nhất miền Nam với khoảng 8.000 – 10.000 tù nhân. Từ năm 1957-1975, tại nhà lao Tân Hiệp, Mỹ – ngụy đã giam giữ hơn 5 vạn lượt tù nhân, đại bộ phận là cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước ở khắp các tỉnh Nam Bộ. Trong số này có hơn 500 người bị giặc giết hại và đưa đi thủ tiêu mất tích, hàng trăm người. Nhà tù Tân Hiệp là nơi diễn ra những hành động vô cùng tàn bạo và man rợ của kẻ địch- một “địa ngục trần gian” ở miền Nam. Cho đến những ngày cuối cùng khi chế độ ngụy quyền Sài Gòn sắp sụp đổ, bọn cai ngục, ác ôn ở nhà lao Tân Hiệp vẫn ngoan cố thực hiện lệnh quan thầy của chúng, chuẩn bị kế hoạch để thủ tiêu anh em tù chính trị. Trong các ngày 26 và 27/04/1975 chúng đã bí mật cài mìn ở tất cả các trại giam nhưng trước sức mạnh tiến công thần tốc của quân giải phóng kết hợp với sự cảnh giác của anh chị em tù nhân, họ đã tổ chức phá trại giam, vượt ngục trước khi địch thực hiện âm mưu nham hiểm trên. Hành động tội ác cuối cùng của Mỹ ngụy ở nhà tù Tân Hiệp, Hố Nai hoàn toàn bị thất bại.

Cũng như mọi tù nhân khác, bà Nga đã trải qua các hình thức tra tấn rất dã man của kẻ thù về thể chất và tinh thần. Cứ sau mỗi câu hỏi là câu trả lời bằng cái lắc đầu của bà thì một loạt trận đòn bằng dùi cui giáng xuống đầu và lưng, rồi tra tấn bằng roi điện, nước xà phòng (đổ vào họng cho đầy bụng rồi đánh). Chúng dùng điện trích vào đầu vú, vào mười ngón tay, nhốt vào thùng phi đem phơi nắng giữa trưa. Dã man hơn, chúng con mang cả con của bà vào trại giam và thẳng tay đánh thằng bé trước mặt bà nhưng bà vẫn quyết không nhận con, không hề giao động mặc dù trong sâu thẳm trái tim người mẹ ấy thì đau như muốn chết đi. Tất cả những hy sinh cao cả ấy Bà dâng hiến cho sự nghiệp giành đấu tranh đánh đuổi quân thù, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Kỷ vật của một thời oanh liệt

Sau những màn bị tra tấn của kẻ thù, thời gian còn lại chị em tù nhân thường tổ chức học chính trị, học văn hóa, học thêu may…Những công việc này vừa để khỏa lấp đi nỗi nhớ nhà, nỗi buồn và nhiều khi nó còn là nơi để tuyên tuyền thông tin bên ngoài vào, đồng thời gửi vào đó khát khao đất nước thống nhất, mong ước ngày gia đình sum vầy. Bà Nga đã thêu được nhiều sản phẩm, mỗi sản phẩm lại đánh dấu cho một trại giam bà đã đi qua.

Bà Nga cho biết, nguyên liệu để thêu gồm vải và chỉ thêu có được là người nhà mang vào khi thăm thân nhân, sau khi thêu xong bà lại gửi những bức thêu này cho người nhà mang ra và giữ hộ. Ngày giải phóng, bà trở về được người nhà giao lại và Bà đã giữ những tấm thêu này làm kỷ niệm. Năm 2009, bà Nga đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam một số hiện vật trong đó có một bức thêu trên vải mà chúng tôi tạm gọi là bức thêu “Cô gái bên Hồ Gươm”.

Bức thêu “Cô gái bên Hồ Gươm” của bà Trinh Thu Nga, năm 1971

Bức thêu được làm năm 1971 khi bà đang bị giam cầm tại nhà giam Tân Hiệp. Theo bà kể lại, ý tưởng bức thêu được bà ấp ủ từ những năm 1963-1968 lúc chưa bị vào tù. Khi đó, bà đã thấy những đoàn quân miền Bắc chi viện cho miền Nam.Nghĩ đến những người chị, người mẹ miền Bắc có con,em vì đất nước mà lên đường vào Nam chiến đấu, bà rất cảm phục. Vào tù, có mẫu thêu của bà Bẩy Cưỡng về cô gái miền Bắc, bà Nga đã thêu để tỏ lòng cảm phục và biết ơn đồng bào miền Bắc. Đồng thời, thông qua bức thêu bà còn thể hiện một lòng hướng ra Hà Nội-trái tim của cả nước, mong muốn hòa bình, hết chiến tranh, đất nước thông nhất để được ra thăm Hà Nội, thăm Hồ Gươm. Đây không chỉ là mong ước của bà Nga mà đó như một niềm mong ước mang tính đại diện, mong ước lớn nhất của toàn thể người dân miền Nam hướng ra miền Bắc, hướng tới ngày đất nước thống nhất.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trận trọng trưng bày kỷ vật này cùng với câu chuyện về sự thông minh, tài trí, sự kiên trung, bất khuất của bà Trịnh Thu Nga cho nền độc lập và sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Cùng với nhiều hiện vật, kỷ vật khác trong phòng trưng bày với chủ đề “Phụ nữ trong lịch sử” như một cách bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi và thế hệ hậu sinh đối với những chiến công, những đóng góp, hy sinh của lớp lớp các mẹ, các chị, các anh. Chúng tôi nguyện kế tục xứng đáng truyền thống yêu nước của các thế hệ năm xưa, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, phát triển và hùng cường.