Võ Hồng Điều – nữ cán bộ hoạt động bí mật tỉnh Trà Vinh

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Trà Vinh là tỉnh được giải phóng sớm nhất ở miền Tây Nam Bộ bằng tiến công quân sự kết hợp chặt chẽ với mũi nổi dậy của quần chúng. Từ 5 giờ ngày 30/4/1975, lực lượng vũ trang tỉnh gồm 5 tiểu đoàn bộ binh, 2 đại đội đặc công, đại đội trợ chiến đã đánh chiếm nhiều mục tiêu trong thị xã. Đến 9 giờ cùng ngày, lực lượng khởi nghĩa xuống đường, treo băng cờ, khẩu hiệu, khoảng 20.000 quần chúng tham gia tiến công, bao vây quân địch, tước vũ khí các tiểu đoàn bảo an, truy bắt bọn ác ôn. Chị em phụ nữ và sư sãi vận động được 60 binh lính địch ở sân bay ra đầu hàng. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng được tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (Trà Vinh).

Để có được chiến thắng thần tốc vẻ vang đó là sự đóng góp, hy sinh, cống hiến lớn lao trong suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Trà Vinh trong đó có sự tham gia, đóng góp của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của những cán bộ cách mạng hoạt động bí mật trong lòng địch. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu một trong những nữ chiến sĩ hoạt động cách mạng bí mật tiêu biểu cùng các hiện vật của bà trong thời kỳ này.

Bà Võ Hồng Điều, sinh năm 1940 quê ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Cửu Long, tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 2/1959 với bí danh  Hồng Vân. Suốt từ đó cho đến  năm 1975 bà vừa trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện vừa chỉ đạo phối hợp với các lực lượng học sinh, sinh viên, trí thức, chị em tiểu thương, lao động nghèo, vợ con binh sĩ cùng tham gia đấu tranh trong nội ô đòi dân sinh, dân chủ, đòi quyền sống, đòi hòa bình, chống bất công, chống  đàn áp học sinh, chống bắt lính, chống tăng thuế… Nổi bật nhất là cuộc biểu tình năm 1964 với 1.000 học sinh tham gia xuống đường đến chùa Phước Hòa đấu tranh đòi trả lại tự do cho em Đỗ Điền Phong và các học sinh bị bắt vô cớ tại thị xã Trà Vinh; cuộc đấu tranh trực diện của 500 chị em đấu tranh phản đối việc tăng góp chợ và đuổi chỗ bán hàng của chị em lao động nghèo tại chợ Trà Vinh năm 1968; cuộc xuống đường quy mô lớn khoảng 10 nghìn người gồm nhiều tầng lớp học sinh, tôn giáo, tri thức, gia đình binh sĩ biểu bình đòi hòa bình chống bắt lính ngày 25/4/1969; cuộc vận động trên 1.500 lực lượng quần chúng đến Tịnh xá Ngọc Vinh (Sài Gòn) dự lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng  năm 1972.

Từ năm 1972, trên cương vị là Tổng thư ký Nghiệp đoàn Lao công Tiểu thương, bà đã góp phần vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh của chị em mua gánh bán bưng như cuộc đấu tranh đòi giữ mức thuế cũ của 200 chị em ngày 26/12/1972. Đặc biệt ngày 17/6/1974, bà vận động 2.000 chị em kéo đến Hội đồng tỉnh tố cáo tội ác của địch, kết quả cuộc đấu tranh giành được trên 300 chỗ ngồi cho chị em.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bà Võ Hồng Điều cùng với bà Ba Bình chịu trách nhiệm một mũi khởi nghĩa phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang tiến vào Dinh Tỉnh trưởng đấu tranh cùng với lực lượng quần chúng trên 20 nghìn đồng bào, góp phần giải phóng hoàn toàn thị xã Trà Vinh sáng 30/4/1975.

 Dưới đây Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu một số hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của bà.

Mũ che mặt, bà Võ Hồng Điều đội để giữ bí mật khi đi họp hội nghị, học nghị quyết của Thị xã ủy Trà Vinh từ năm 1968- 1975

Băng đỏ, bà Võ Hồng Điều sử dụng đeo tay để làm ám hiệu của một mũi đấu tranh trong thị xã Trà Vinh trong ngày 30/4/1975

Cờ giải phóng, bà Võ Hồng Điều cầm cờ cùng bà con thị xã Trà Vinh kéo ra đường hòa vào dòng người nô nức trong niềm vui đại thắng của đất nước ngày 30/4/1975