Giai đoạn 1930 – 1954

Từ cuối thế kỷ XIX, nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại chính sách thuộc địa của Pháp đều thất bại. Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân. Đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng, các tổ chức phụ nữ đã ra đời như Hội Phụ nữ Giải phóng, Hội Phụ nữ Dân chủ, Hội Phụ nữ Phản đế, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc… Phụ nữ đấu tranh chống thực dân phong kiến, đòi dân sinh, dân chủ và xây dựng, phát triển, bảo vệ các cơ sở Đảng. Năm 1945, phụ nữ tham gia lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, đưa cuộc cách mạng tháng Tám nhanh chóng đi đến thành công. Năm 1946, Pháp tái chiếm Việt Nam, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến. Để phát huy sức mạnh của phụ nữ cả nước, ngày 20/10/1946 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ra đời. Thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, Hội vận động hội viên lao động sản xuất, tham gia du kích, dân công, giao liên, nuôi giấu cán bộ, quyên góp tài chính, lương thực… Họ đã góp phần to lớn làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân.

Giai đoạn 1930-1945

Các chiến sỹ cách mạng và giành chính quyền

Được tôi luyện trong thực tế đấu tranh, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành. Các nữ Đảng viên là hạt nhân để xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển lực lượng và tổ chức Hội phụ nữ. Khi bị giặc bắt và giam cầm, các nữ chiến sỹ cách mạng đã vượt lên mọi cực hình tra tấn thô bạo của giặc, sẵn sàng hy sinh để đảm bảo an toàn cho các tổ chức cách mạng và Đảng. Trong cuộc cách mạng tháng Tám 1945, các chị đã trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương.

Giai đoạn 1946 – 1954

Du kích

Là lực lượng vũ trang quần chúng được thành lập ở các thôn xã có nhiệm vụ chống càn nhằm tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ xóm làng. Các đội nữ du kích phát triển khắp nơi. Cả nước có 980.000 nữ du kích. Phát triển mạnh nhất là phong trào du kích Hoàng Ngân ở tỉnh Hưng Yên có tới 7.365 người; chiến đấu 680 trận, 13 lần phá đồn bốt, phá hỏng 16.000m dây điện thoại, tiêu diệt và bắt sống 383 tên địch…Trong kháng chiến, có 12 nữ du kích được tặng danh hiệu Anh hùng, như: Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu…

Phục vụ kháng chiến

Hưởng ứng các phong trào ủng hộ kháng chiến, phụ nữ đã tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau: chăm sóc cứu chữa thương binh, đi dân công, ủng hộ tài chính và lương thực… Chỉ tính từ khu vực Trung Bộ trở ra, từ 1951 đến 1954, nhân dân đã đóng góp 1.575.000 tấn thóc thuế nông nghiệp, sản xuất 35.730.000m vải. Phụ nữ các vùng tạm chiếm bất chấp nguy hiểm, nuôi giấu, đưa đón cán bộ và chuyển công văn tài liệu. Từ năm 1950 đến 1954, nữ dân công vùng tự do đã đóng góp 9.578.000 ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, súng đạn cho 18 chiến dịch, riêng chiến dịch Điện Biên Phủ là 2.381.000 ngày công.


“Cuối năm 1953, tôi đang tu hành ở chùa Nam Ngạn. Tuy không thuộc thành phần tham gia nhưng tôi đã hai lần xung phong đi dân công gánh bộ. Mỗi đoàn có hàng trăm người, mỗi chuyến đi khoảng 3 tháng. Chuẩn bị cho chuyến đi, tôi tự làm đèn từ chai thủy tinh 0,65 lít. Đèn chai rất phổ biến lúc đó vì tiện cho việc vận chuyển trong đêm, không bị tắt khi trời mưa, gió to. Tôi gánh hai bồ gạo nặng hơn 20 kg, buộc đèn chai ở đầu đòn gánh, vượt qua hàng trăm kilomet đường rừng để đưa gạo đến các chiến trường.”

Sư thầy Đàm Duyên, Nam Ngạn, Thanh Hóa