Mãi trân trọng những trái tim vì hòa bình

Hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xin giới thiệu một phần sưu tập “Những trái tim vì hòa bình” . Sưu tập là những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về các phong trào mà nhân dân, phụ nữ thế giới ủng hộ cho nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ.

Hơn nửa thế trước, đế quốc Mỹ mang quân đến Việt Nam. Trong suốt gần 20 năm, hàng triệu lính Mỹ và lính tham chiến, hàng triệu tấn bom đạn được sử dụng để tàn phá, xâm lược Việt Nam. Có những lúc, chúng định đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá. Việt Nam đã trở thành mối quan tâm trên toàn thế giới. Có những khoảnh khắc, cả thế giới vặn đồng hồ theo giờ Việt Nam.

Cuộc chiến phi nghĩa Mỹ tạo ra gặp phải sự phản đối dữ dội của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Và ngay tại chính nước Mỹ cũng có nhiều tổ chức, nhiều cá nhân đứng lên đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam. Đặc biệt, trong đó phải nói đến những người phụ nữ có chồng, con, người thân bị bắt tham gia cuộc chiến ấy, họ đã không ngừng đấu tranh để người thân của họ có thể trở về, còn sống và nguyên vẹn.

Nhân dân, phụ nữ các nước Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Úc… và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đã tích cực tham gia phong trào phản chiến. Từ khắp mọi nơi, nhiều hình thức ủng hộ cho Việt Nam được thực hiện như: tổ chức các hội nghị, các cuộc biểu tình để phản đối chiến tranh; phát hành các ấn phẩm truyền thông như báo chí, áp phích, truyền đơn; và quyên góp tiền, của ủng hộ nhân dân nhân Việt Nam nói chung, cho phụ nữ Việt Nam nói riêng. Tất cả mong muốn hòa bình được lập lại, không có chiến tranh, không có mất mất.

Những tài liệu, hiện vật Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ tuy không đầy đủ về sự ủng hộ của các quốc gia, nhưng có những câu chuyện, có những hiện vật thực sự làm lay động mọi trái tim. Một người mẹ Mỹ đã day dứt nhiều năm trời, để rồi bà trao gửi lại Việt Nam đôi hoa tai mà con trai bà – một người lính Mỹ, đã mang về như một chiến lợi phẩm từ cuộc chiến. Những cuốn Album được làm bằng tay của phụ nữ Đức, phụ nữ Pháp… đã thực hiện, để quyên góp từng đồng gửi tặng Việt Nam. Một nữ luật sư đã lưu giữ 450 tài liệu hiện vật về cuộc gặp gỡ tại Jakartar bàn về vấn đề Việt Nam suốt gần nửa thế kỷ; những con búp bê phụ nữ Nhật Bản đã làm bán lấy tiền ủng hộ cho Việt Nam…

Những hình ảnh, những câu chuyện về những con người đến từ nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ, nhưng trong những trái tim ấy đều mong muốn và hiểu giá trị của hai chữ Hòa Bình. Việt Nam có bạn bè thế giới đồng hành và ủng hộ. Điều đó tạo nên sức mạnh và động lực để Việt Nam bước qua chiến tranh. Việt Nam không đơn độc. Và Việt Nam không quên điều đó, trân trọng tri ân những đóng góp, những yêu thương từ bạn bè quốc tế.

Hiện nay, dịch Covid 19 đang diễn ra trên thế giới, cần có sự đồng lòng và chung tay của mỗi quốc gia. Chúng tôi mong muốn qua những tư liệu hình ảnh này, gửi đến mọi người, để chúng ta cùng nhìn lại, cùng nắm tay nhau để vượt qua dịch bệnh, như chúng ta cùng nắm tay  nhau vượt qua chiến tranh…

Thông điệp của sưu tập chúng tôi muốn gửi tới công chúng là: Hòa bình được tạo nên từ trái tim, bất kể quốc tịch hay màu da. Hãy nắm tay nhau cùng nhìn về phía hòa bình.

15.000 người tham gia biểu tỉnh tại thành phố California, Mỹ đòi chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, ngày 15/10/1965

Cuộc biểu tình ngồi của phụ nữ Mỹ chống bắt bớ tù chính trị ở miền Nam Việt Nam. Mỗi người mang một tấm biển có đề tên một bà mẹ Việt Nam có con đang bị giam giữ

Phụ nữ Pháp mít tinh tuyên truyền về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam tại thành phố Marseille, tháng 7/1969

Cuộc biểu tình đầu tiên của phụ nữ thành phố Melbourne, Australia để phản đối Chính phủ bắt thanh niên sang Việt Nam làm lính đánh thuê cho Mỹ, tháng 7/1965

Phụ nữ Nhật Bản mở ống tiết kiệm trong phong trào Một triệu Yên cho Việt Nam, năm 1969

Phụ nữ Tây Đức biểu tình ủng hộ phụ nữ Việt Nam, năm 1973

Phụ nữ Ý biểu tình tỏ rõ sự đồng tình với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Lễ mít tinh tại một nhà máy Trung Quốc bày tỏ tình đoàn kết, ủng hộ phụ nữ và thiếu nhi Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Áp phích vận động phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược do nhóm Mặt trận giải phóng dân tộc (UNLF) Thuỵ Điển phát hành ngày 7/10/1973

Tạp chí “MEMO” do Tổ chức Phụ nữ Đấu tranh cho hoà bình (WSP) của Mỹ phát hành năm 1971, trong đó có các bài đòi phải rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Đông Dương và Việt Nam; và bài phóng vấn với bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam

Bài báo của Anh phản đối Đế quốc Mỹ ném bom Napan ở Việt Nam

Tập tranh của một hoạ sĩ Italia tố cáo tội ác của Mỹ Ngụy đối với phụ nữ miền Nam Việt Nam

Bưu ảnh in hình ống tiết kiệm trong phong trào “Ủng hộ Việt Nam” do Hội phụ nữ Nhật Bản Mới phát động tháng 6/1966 để bán lấy tiền ủng hộ Việt Nam

Hàng viện trợ của nhân dân Pháp cho nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ

Giấy giao tiếp nhận hàng viện trợ gồm 65 kiện hàng nặng 4578kg do phụ nữ Liên Xô tặng phụ nữ Việt Nam, năm 1968

Album của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Đức (DFD) ở thành phố Strausberg, Đức ghi lại các hoạt động quyên góp tiền và chữ ký của người dân Đức giúp đỡ Việt Nam, năm 1968

Thư của bà Cecilia MGoto, người mẹ của một lính hải quân Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam gửi đất nước Việt Nam xin được tha thứ cho tội lỗi con trai bà và xin trả lại đôi hoa tai vì bà hiểu đôi hoa tai được đánh bằng những chiếc nhẫn cưới của những người lính Việt Nam đã chết. Thư được nhận ngày 26/7/1994 tại Bưu điện Đà Nẵng