Kỷ vật tình cha

Nhắc tới cha, chúng ta thường nghĩ tới bờ vai vững chắc gánh vác những việc lớn, làm chỗ dựa cho cả gia đình. Không giống như người mẹ bộc lộ tình yêu với con bằng những cái ôm ấp, vỗ về, tiếng ru hay lời nói dịu dàng; người cha thường ít khi bày tỏ trực tiếp tình cảm với con cái mà thông qua hành động, chúng ta mới cảm nhận được tình thương vô bờ của cha.

Nhân Ngày của Cha, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xin được giới thiệu tới quý vị và các bạn một câu chuyện thể hiện tình cảm yêu thương của người cha với con gái mình. Đó là chiếc lắc bạc của bà Nguyễn Thị Kim Dung, hiện đang được trưng bày tại chủ đề Phụ nữ trong lịch sử của hệ thống trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng.

Khu vực trưng bày chứa chiếc lắc bạc tại Bảo tàng

Bà Nguyễn Thị Kim Dung là chiến sĩ biệt động của Trung đội nữ Minh Khai, là 1 trong 4 người tham gia trận đánh ở rạp Majestic – Sài Gòn đêm 10/6/1948 làm gần 20 sĩ quan và binh lính Pháp chết, gần 50 binh lính khác bị thương. Bà Dung đã bị bắt và bị kết án tử hình khi mới 15 tuổi. Trong bối cảnh rất nhiều chiến sĩ tham Cách mạng bị quân địch bắt, tra tấn dã man thậm chí bị kết án tử hình mà thường là chặt đầu, việc nhận diện thân nhân của nhiều gia đình không dễ dàng. Trong lúc bà bị biệt giam ở khám lớn Sài Gòn năm 1949, gia đình đã nhờ người lén đem vào một chiếc lắc bạc và một mẩu giấy có dòng chữ: “Con đeo để ba tìm xác con“. Bà đã bật khóc nức nở khi nhận ra nét chữ thân thuộc của cha và chiếc lắc do chính tay ông tự làm.

Chiếc lắc bạc của bà Nguyễn Thị Kim Dung

Chiếc lắc vốn chỉ là món đồ trang sức bình thường tô điểm thêm vẻ đẹp cho cô con gái, nay nó trở thành lời vĩnh biệt của cha gửi tới con, là dấu hiệu để nhận biết phần xác của con mình. Có lẽ cha của bà đã vừa làm chiếc lắc bạc này vừa nghẹn ngào rơi những giọt nước mắt đau lòng. Mẩu giấy chỉ vẻn vẹn 7 từ, không có bất cứ lời hỏi han hay nhớ thương nào nhưng chúng ta đều có thể cảm nhận được nỗi đau đến đứt ruột của người cha ấy; người cha mà đã biết con gái mình phải nhận một cái chết đau đớn, người cha mà đã sẵn sàng tâm lí đi tìm xác chết không còn nguyên vẹn của con. Chiếc lắc này là tất cả những gì ông có thể làm cho con vào thời điểm đó.

Nhưng rất may mắn cho bà Dung, với sự đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, bà đã được giảm án xuống 20 năm tù và được chuyển về giam giữ ở khám lớn Chí Hoà (1949 – 1954). Trong suốt thời gian đó, bà vẫn thường xuyên sử dụng chiếc lắc này. Bà mặc áo dài tay nên lắc được che khuất bên trong, giặc không phát hiện được. Và những dòng thơ dưới đây do chính bà viết nên, như sự trân trọng của bà dành cho kỷ vật:

Chiếc lắc cha làm thấm bao nước mắt,

Gửi con đeo như dấu ấn nhận con về.

Ôi! Nhỏ nhoi chiếc lắc vô tri,

Mà mang nặng nghĩa tình cha me.

Sưởi ấm lòng trong xà lim lạnh giá,

Là ngọn lửa hồng nuôi ý chí đấu tranh…

Chiếc lắc bạc không chỉ là động lực để bà tiếp tục đấu tranh, kiên trung với Cách mạng mà cũng trở thành kỷ vật minh chứng cho tình thương vô hạn của người cha với con gái mình trong thời kỳ khói lửa. Chuyện đã qua nhưng ý nghĩa tình cảm cha con thiêng liêng không bao giờ biến mất. Nhân Ngày của Cha, chúng ta cùng cầu chúc cho tất cả những người cha trên thế giới luôn được mạnh khoẻ và hạnh phúc. Những ai đang còn cha, còn chờ gì nữa mà hãy gửi lời yêu thương tới người đàn ông âm thầm vĩ đại nhất trong lòng mỗi người!