Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – dấu ấn những chặng đường

Kể từ khi thành lập, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị – xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử hơn 90 năm, qua mỗi kỳ Đại hội, mỗi giai đoạn phát triển, Hội LHPN Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng tự hào và mang dấu ấn riêng. Hướng tới Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 – 2027, ngày hội lớn của các cấp Hội và phụ nữ cả nước, hãy cùng nhìn lại những dấu mốc lịch sử trong sự trưởng thành và phát triển của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gắn với lịch sử đất nước và dân tộc. Chúng ta tự hào về truyền thống đó để tự tin hội nhập với khát vọng vươn lên!

Những dấu mốc lịch sử thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc

Tháng 10 năm 1930, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản từ ngày 6/1/1930 – 8/2/1930, bên cạnh Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình điều lệ tóm tắt của Đảng, Hội nghị còn quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội phụ nữ Giải phóng. Tháng 10/1930 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “Phụ nữ hiệp hội”. Như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tháng 10/1930 đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ.

Ngày 16/6/1941 Đoàn Phụ nữ Cứu quốc ra đời, tiếp tục sự nghiệp của Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Phụ nữ dân chủ, Hội Phụ nữ phản đế… Đoàn Phụ nữ cứu quốc làm nhiệm vụ tuyên truyền, động viên phụ nữ gia nhập mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc, đánh Pháp đuổi Nhật. Chị em các địa phương tích cực tham gia với nhiều hình thức: xây dựng căn cứ địa Cách mạng, tập luyện quân sự, tiếp tế cho lực lượng vũ trang, bảo vệ cán bộ… Họ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945.

Ngày 20/10/1946 Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát lớn, Hà Nội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời là tổ chức nòng cốt của phong trào phụ nữ Việt Nam. Tại đây, bà Lê Thị Xuyến, Chủ tịch Hội đã trình bày về tôn chỉ mục đích của Hội.

Dân công Phú Thọ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954

Đơn vị nữ du kích Hoàng Ngân, tỉnh Hải Hưng duyệt binh, năm 1954

Bà Nguyễn Thị Định - Phó Chủ tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam đang cùng các cán bộ lãnh đạo chuẩn bị cho ngày Đồng Khởi, 1960

Ngày 8/3/1961, để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong một giai đoạn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập nhằm đoàn kết, tập hợp phụ nữ miền Nam trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày 8/3/1965 tại Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam đã phát động ba phong trào lớn trong toàn miền Nam: phong trào Đấu tranh chính trị, phong trào Hội Mẹ chiến sĩ, phong trào xây dựng gia đình vẻ vang.

Trong giai đoạn từ 1961 đến 1975, hai tổ chức phụ nữ ở 2 miền đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như phong trào “5 tốt”; phong trào “Ba đảm đang”; phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”; phong trào “Kết nghĩa Bắc Nam”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội phụ nữ 5 tốt toàn miền Bắc, tháng 4/1964

Bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhận bức trướng do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh trao tặng, tháng 10/1966

Ngày 10-12/6/1976, diễn ra Hội nghị hợp nhất tổ chức Phụ nữ ở hai miền Nam Bắc. Từ đây, Hội ngày càng lớn mạnh, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và kế thừa các thành quả to lớn của phong trào phụ nữ để không ngừng đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và chức năng đại diện của tổ chức Hội.

Bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội LHPN Việt Nam đón và tặng hoa cho bà Hà Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhân dịp bà vào dự Hội nghị thống nhất hai tổ chức phụ nữ tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 6/1976

Những dấu ấn trong phong trào phụ nữ và hoạt động Hội từ năm 1976 đến nay

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (1974 – 1982): phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ V (1982 – 1987): động viên phụ nữ tham gia phong trào phụ nữ tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm 1981- 1985.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VI (1987 – 1992) và lần thứ VII (1992 – 1997): Hội LHPN Việt Nam liên tiếp phát động hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (1997 – 2002): phát triển hai phong trào thi đua từ Đại hội VII thành phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”; Phong trào “Ngày tiết kiệm vì Phụ nữ nghèo.

Các kì đại hội lần thứ IX, X, XI và XII đều phát động phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (2007 – 2012): vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Năm 2010, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (2012 – 2017) triển khai sâu rộng 2 cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (2017 – 2022): Phong trào thi đua“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Giáo viên Trường cấp III Thái Thuỵ, Thái Bình đăng ký thực hiện phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”

Đội nữ thợ xây làm hầm Biogas sinh học tạo ra chất đốt bảo vệ môi trường cho hội viên phụ nữ thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, năm 2015

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Đoàn chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, đại sứ chương trình H’Hen Niê bấm nút hưởng ứng tại Lễ phát động năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ngày 06/3/2019

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và các đại biểu tham quan triển lãm

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng tại buổi gặp mặt tri ân 300 Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức, Hà Nội, ngày 24/7/2020

Diễn đàn “Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - (UNWomen) đồng tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/3/2021

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ngày một lớn mạnh không ngừng, kế thừa các thành quả to lớn của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội; bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và chức năng đại diện của tổ chức Hội. Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã chủ động, sáng tạo hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước, hăng hái tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia; chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình; nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước. Trong không khí nô nức, phấn khởi tiến tới Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, mỗi hội viên phụ nữ đều cảm thấy vô cùng tự hào bởi ai cũng thấy mình có sự đóng góp dù nhỏ hay lớn trong tổ chức Hội, trong sự phát triển và khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.