Bức thư của người chiến sĩ giải phóng giải phóng Sài Gòn năm xưa

Cách đây vừa tròn 50 năm, vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 lịch sử năm ấy có người thầy giáo – chiến sĩ Phạm Hoài Thủy. Câu chuyện về những ngày chiến đấu gian khổ, hiểm nguy, tham gia giải phóng Sài Gòn, tiến vào Dinh Độc Lập và tiếp quản Sài Gòn những ngày đầu giải phóng được anh tái hiện chân thực trong “Lá thư từ giữa thành phố Sài Gòn”.

Hòa cùng không khí náo nức của cả nước hướng về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu câu chuyện về ông Phạm Hoài Thủy cùng bức thư của ông viết gửi về cho vợ là Lê Nguyệt Bảo ngày 6/5/1975 sau khi giải phóng miền Nam được một tuần.

Xếp bút nghiên lên đường

Năm 1972 đáp lại Lệnh Tổng động viên, kêu gọi tầng lớp trí thức lên đường nhập ngũ, nghe theo tiếng gọi non sông, thầy giáo Phạm Hoài Thủy xếp bút nghiên, rời bục giảng lên đường đánh giặc. Ông để lại người vợ đang mang thai đứa con thứ ba cùng hai đứa con thơ lên đường chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Xa vợ con 4 năm trời, những tháng ngày đầu trong quân ngũ thật vật vả, khó khăn, nỗi nhớ gia đình cứ dâng trào, mọi tình cảm nhớ thương đều được gửi gắm qua những cánh thư. Những cánh thư chính là sợi dây nối liền giữa hai đầu thương nhớ, giúp người tiền tuyến, người hậu phương có thêm động lực để hy vọng một ngày đoàn tụ, động viên nhau cố gắng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để chiến đấu, hứa hẹn cho tương lai và sự hy sinh thầm lặng của người vợ ở hậu phương chính là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để ông yên tâm chiến đấu.

Cuộc hành quân thần tốc

“Từ một khoảng rừng già của Đắc Lắc đơn vị đánh về đồng bằng. Anh đã đi qua quận lỵ Buôn Hồ, Cẩm ga, thành phố Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc) qua thị xã Cheo zeo (tỉnh Phú Bn) qua Cảng Sơn, Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) rồi qua Phú Thứ, Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long, Bình Dương vào Gia Định. Đơn vị anh đánh vào căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn và tiến thẳng vào Sài Gòn. Sáng ngày 30.4.1975, sau khi chiếm xong Hóc Môn, 8h sáng đơn vị nhận lệnh tiến ngay vào Sài Gòn (quên mất không báo cho em của anh biết, anh chuyển sang làm thợ máy và lái xe ô tô từ ngày đầu chiến dịch. Bàn tay thợ lại trở về đời thợ. Đơn vị anh phải trưng dụng tất cả các xe của dân lại để chở bộ đội vào Sài Gòn với nhiệm vụ đánh thẳng vào Dinh Độc Lập”

Sự may mắn kỳ diệu

Những thông tin về chặng đường hành quân bước vào chiến dịch, những cuộc chiến đấu sinh tử trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn mà ông đã trải qua, và chỉ có sự may mắn kỳ diệu mới giúp ông thoát khỏi cái chết trong gang tấc đã được ông kể lại một cách sinh động.

“Hôm ấy, anh lái xe chở bộ đội hành quân đêm đến Bình Dương cách Bầu Bàng 10km, địch phát hiện được, hắn bắn liên tục 300 quả pháo 155 ly tan cái xe, may quá hôm đó không bị sao… Anh nằm dưới 1 cái hố pháo cũ, hàng trăm quả pháo nổ quanh người, điếc tai và khét lẹt, chiếc áo của anh vứt trên mặt đất bị mảnh pháo tan tành, thế mà Hoài Thủy của em an toàn, nằm trong hố pháo không có nắp, anh nghĩ về em và con, anh cứ tự nhủ “Thôi vĩnh biệt em và con, anh đã làm trọn nghĩa vụ của anh với Tổ quốc. Đừng buồn! Anh đi đây”, cứ nghe mỗi loạt pháo đầu trong anh lại nghĩ thế, cuối cùng hàng vạn mảnh pháo chết người đều tránh anh cả”

Tiến vào Dinh Độc Lập

Toàn bộ không khí ngày lịch sử 30/4 khi các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, niềm tự hào khi trở thành một trong những người lính đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập được ông mô tả chi tiết.

 “Đơn vị nào được vào đánh Sài Gòn cũng cố sao cho thật nhanh để đến trước. Ôi! Một quang cảnh của những ngày lịch sử, dọc đường từ Hóc Môn qua Tân Sơn Nhất tiến vào đường Công Lý đông nghịt những người, bộ đội và xe tăng chạy cho nhanh vào Sài Gòn, nhân dân đổ ra 2 bên đường vẫy chào quân giải phóng và hàng vạn lính ngụy vứt bỏ quần áo, đi đầy đường trở về với gia đình. Bộ đội đi đến đâu cờ giải phóng mọc đến đó. Đơn vị anh đi trước chỉ có 1 đại đội và 1 số khác (anh lái xe riêng cho chính ủy và Thủ trưởng), vượt qua cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), tiến vào Dinh Độc Lập lúc 10h45, khi qua Đại sứ quán Mỹ thì bị bọn ngụy từ các nhà gác hai bên đường bắn xả xuống, chúng bắn vỡ tan kính xe của anh, một tý nữa thì…đi đứt. Thế là phải dừng lại đánh nhau lúc 12h00, vào đến nơi thì đơn vị nào đã cắm cờ ở Dinh Độc Lập rồi! Nhưng anh vẫn là một trong những người đầu tiên vào Dinh Độc Lập để khẳng định sự chiến thắng của cách mạng. 30 phút sau xe tăng các ngả đổ về vây quanh Dinh Độc lập chĩa nòng pháo vào, lúc này Dương Văn Minh cùng tướng tá của hắn vẫn ngồi trong Dinh chờ đợi dơ tay trước mũi súng của các chú lính rất trẻ và đầu hàng. Lá cờ giải phóng rộng 15m2 được kéo lên, khoảng 1h00 sau dân Sài Gòn kéo đến Dinh Độc Lập đông nghịt xem bộ đội, xem xe tăng giải phóng, xem Dinh tổng thống”.

Vợ chồng ông Phạm Hoài Thủy và Lê Nguyệt Bảo

Niềm vui đoàn tụ

Sau ngày giải phòng miền Nam, đất nước thống nhất, ông vẫn tiếp tục ở lại miền Nam để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân vùng mới giải phóng.

“Ngày 3.5.1975 anh được cử đến một hội nghị của các giáo chức trung học Sài Gòn, anh đã đến với tư cách 1 giáo sư trung học tình nguyện đi bộ đội và nói chuyện. Anh nói về mục đích phương châm giáo dục ở miền Bắc, nói về phương pháp giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học ở miền Bắc…Tất cả những điều đó với họ đều mới lạ và hấp dẫn. Hôm đó anh cũng tiếp kiến với một nhà báo người Pháp, sau buổi nói chuyện ông ta nói “ nền giáo dục của các bạn như vậy thì chiến thắng là điều tất yếu”.

Giữa năm 1976, được xuất ngũ, ông trở về quê tiếp tục đứng trên bục giảng, hoàn thành ước mơ, tâm nguyện như ông đã chia sẻ trong bức thư:

Em yêu ơi! Anh đi cũng nhiều nơi và nếu có đi cùng trời cuối đất thì vẫn chẳng đâu đẹp và đáng yêu bằng quê hương, nơi đó anh có người vợ hiền đỏ mặt chờ trông gần 3 năm ròng rã, nơi đó anh có những đưa con yêu đang mong cha từng ngày. Anh chỉ mong ngày về với em và con thôi.

Đừng buồn nữa, Hoài Thủy của em vẫn sống và khỏe mạnh, chắc chắn sẽ trở về với em trong ngày gần đây! Biết đâu đấy! Màu xuân này anh lại chẳng cầm tay em và con đi trên đường phố Hà Nội quê hương.

Biết đâu đấy! Mùa thu sau, niên học 1976- 1977 anh lại cầm phấn lên bảng và sống với em với con.

Từ nay! Hy vọng trở về với em và con nhiều hơn, chắc chắn hơn. Em yên tâm em nhé, ngày về không xa nữa đâu!”

Năm thập kỷ đã trôi qua, nhiều nhân chứng lịch sử như ông Phạm Hoài Thủy cũng dần khuất núi nhưng những giá trị từ những tư liệu, hiện vật lịch sử như những lá thư của ông vẫn còn mãi. Ngày 12/7/2003, khi thầy trò lớp tập huấn ngắn ngày cho giáo viên trung học phổ thông Lào Cai đang ở bên suối Cát Cát, Sa Pa chụp ảnh kỷ niệm thì bất ngờ có một em học sinh trượt chân rơi xuống suối, ông Phạm Hoài Thủy vội nhảy xuống cứu, nhưng dòng nước sâu, xoáy mạnh đã cuốn cả hai thầy trò đi mãi mãi…

Bà Nguyệt Bảo đã trao tặng cho Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam toàn bộ 128 bức thư của ông bà, để những bức thư tiếp tục kể câu chuyện về người thầy giáo – chiến sĩ đã Phạm Ngọc Thủy đã sống và chiến đấu, cống hiến những năm tháng đẹp nhất của đời mình cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cho thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam.