Chân dung phụ nữ đương đại

Trong cuộc sống hiện nay, phụ nữ Việt Nam bằng sức mạnh nội tại của mình đang góp phần xây dựng một xã hội yên bình, một đất nước phát triển. Những phẩm chất truyền thống tốt đẹp được phát huy trong cuộc sống đương đại đã làm nên người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bản lĩnh, nghị lực và đầy đam mê. Họ chủ động học hỏi, trang bị kỹ năng sống và trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực. Bằng cách đó, họ khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Họ xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc bằng tình yêu thương, sự đảm đang và nghị lực phi thường khi đối mặt với những khó khăn thách thức trong cuộc sống.

Họ xây dựng xã hội bằng sự năng động và năng lực, niềm đam mê và lòng nhân hậu… của những chính trị gia xuất sắc, những doanh nhân thành đạt, những nhà nghiên cứu khoa học nhiệt huyết, những nghệ sỹ, diễn viên tài hoa, những vận động viên tài năng, những người nông dân dám nghĩ, dám làm, biết áp dụng khoa học công nghệ mới… Tất cả những người phụ nữ đó, những người biết chia sẻ với cộng đồng, đang góp phần vào quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Câu chuyện về người phụ nữ đương đại không dừng lại. Nó mới là điểm khởi đầu để người phụ nữ tiếp tục viết lên trang mới trong cuộc sống ngày hôm nay.

Nguyễn Bích Lan, dịch giả


“Nhìn Bích Lan gầy yếu với căn bệnh loạn dưỡng cơ dẫn đến suy tim, tôi không hiểu ở đâu mà cô có sức lực để dịch được 16 cuốn sách, làm thơ và viết truyện như thế. Nhưng gặp và trò chuyện cùng cô, tôi hiểu rằng sức lực đó chính là nghị lực của một con người đã vượt qua lằn ranh sinh tử để trở lại với cuộc đời. Đó là nghị lực của một cô gái trẻ không bao giờ nguôi hi vọng, và “dù ngày mai có chết, hôm nay cũng không được phép gục ngã”

(Nguyễn Kim Thành, Đà Nẵng, 2008)

Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao

“Ngoại giao hiện đại khó hơn ngoại giao cổ điển: phạm vi rộng hơn, hình thức đa dạng hơn, đòi hỏi “tốc độ” và khả năng linh hoạt hơn. Ngoài sự hiểu biết và bản lĩnh cần có của một nhà ngoại giao, nhà ngoại giao hiện đại cần phải thể hiện kỹ năng truyền đạt có thể tạo cho mình sự hấp dẫn độc đáo. Tôi luôn ý thức phải thường xuyên trang bị cho mình sự hiểu biết đa dạng trên nhiều lĩnh vực và khả năng ứng xử chủ động và uyển chuyển. Bản thân tôi luôn mong muốn được chia sẻ những gì tôi đã tích lũy được với thế hệ trẻ.”

Maymoulna – chủ nhiệm HTX Thêu may Kim Chi

“Cái tâm của người làm nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là biết bảo tồn, trao gửi tinh hoa cho thế hệ sau. Khéo léo, tinh tế thôi chưa đủ, điều quan trọng nhất vẫn là sự sáng tạo, năng động và luôn đổi mới. Đổi mới từ tư duy đến sản phẩm. Vì thương hiệu thêu Việt Nam, tôi tạo ra những sản phẩm độc đáo kết hợp hài hoà giữa tinh hoa của dân tộc và nét hiện đại. Tôi tìm được thị trường và khách hàng bằng chính chất lượng sản phẩm. Người thợ có đạo đức phải giữ sản phẩm của mình có chất lượng mãi mãi. Đã là nghề thì phải tinh xảo, tinh xảo để lưu truyền”

Huỳnh Tiểu Hương, Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê Hương

“Sống trong đói nghèo suốt quãng đời thơ ấu nên tôi rất hiểu và cảm thông với các em cơ nhỡ, mồ côi. Tôi đã nhận nuôi 150 con tất cả: mồ côi có, tàn tật có, bị chất độc màu da cam có, bị bỏ rơi có. Tôi yêu thương tất cả như con của mình. Nhiều người thấy các con xinh xắn, khỏe mạnh đến xin làm con nuôi nhưng tôi không chịu. Tôi chỉ nhận thêm chứ không cho đi một đứa con nào. Tôi chỉ lo các con bị đói, bị cơ nhỡ. Hàng ngày thấy các con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, đôi lúc có đứa chạy đến sà vào lòng mẹ nũng nịu, tôi thấy đó là hạnh phúc lớn”