“Chim sắt” của Đội biệt động 159
Để có được nền hòa bình như ngày hôm nay đã có biết bao người con ưu tú ngã xuống, trong đó có cả sự hy sinh thầm lặng của những người lính biệt động. Một trong số những người lính biệt động năm ấy là bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, nữ biệt động gan dạ mang biệt danh “Chim sắt” của đội biệt động 159 ở Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt sinh năm 1944 trong một gia đình có bố là viên chức thời Pháp, hoạt động bí mật trong lòng địch. Mẹ bà mất năm bà mới lên 6 tuổi. Năm 1954, bố bà tập kết ra Bắc, ông gửi bà cho người em trai nuôi giúp. Năm 14 tuổi, bà tham gia đội biệt động đầu tiên của Sài Gòn mang tên Đội biệt động 159 với những nhiệm vụ như; giao liên, đưa người vào chiến khu, mang tài liệu công văn, vận chuyển vũ khí vào nội thành… Bà đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội nổi bật là đưa mìn nổ chậm vào sân bay Tân Sơn Nhất, gài được mìn hẹn giờ vào máy bay Boeing 707 với ý định tiêu diệt đoàn sĩ quan Mỹ năm 1963.
Để thực hiện được trận đánh quan trọng này, Đội biệt động 159 lập kế hoạch chuẩn bị từ trước, tiến hành gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay, mang bí danh số E8; đồng thời giao cho bà đóng vai người yêu của E8 ra vào sân bay để nghiên cứu, nắm tình hình, quy luật hoạt động của mục tiêu. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào đưa được thuốc nổ vào máy bay, bởi địch kiểm soát rất nghiêm ngặt và chỉ có những cố vấn, sĩ quan Mỹ mới được đi chuyến bay đó. Phương án giả mang bầu để chuyển thuốc nổ vào sân bay được đưa ra. Tổ chức nhất trí, kiếm cho bà một túi xách tay giống hệt của cố vấn Mỹ để thuận tiện tráo đổi. Nhờ vậy, kế hoạch được thực hiện trót lọt.
Nhiều ngày liền, bà phải tập mang bụng bầu, đi lại cho thật giống để không bị nghi ngờ. Chính điều này khiến bà bị nhiều người cười chê bởi chưa chồng mà chửa. Vượt lên tất cả những lời dị nghị, bà dành hết tâm trí, thời gian cho nhiệm vụ, không hề giải thích với ai. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 25/3/1963, “bà bầu” Thu Nguyệt đi vào sân bay, xách theo một chiếc túi du lịch của cố vấn Mỹ thường dùng. Trong lúc ngồi chờ, quan sát không thấy ai để ý, bà liền gỡ thuốc nổ ra bỏ vào túi du lịch rồi bí mật đánh tráo túi đồ của cố vấn Mỹ trong phòng đợi. Hoàn thành nhiệm vụ, bà rời sân bay về nơi đã hẹn gặp đồng đội.
Theo kế hoạch quả mìn sẽ nổ tung khi máy bay cất cánh 15 phút nhưng hơn 1 tiếng sau vẫn không thấy tin tức vụ nổ máy bay nên bà khá lo lắng. Rồi đến chiều các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin máy bay của địch cất cánh ở sân bay Tây Sơn Nhất đã bị nổ tung sau khi quá cảnh ở sân bay Honolulu (Mỹ). Nếu như hôm đó đồng hồ hẹn giờ không bị trục trặc do máy bay lên độ cao 10.000m, áp suất không khí khiến nó chạy chậm lại thì kế hoạch tiêu diệt 80 cố vấn Mỹ đã thành công. Tuy không có thương vong nhưng việc phá hủy chiếc máy bay Mỹ ngay trên đất Mỹ đã gây chấn động dư luận và khiến quân đội Mỹ hoang mang về nguy cơ mất an toàn trong các chuyến bay do bị biệt động tấn công. Chúng ra lệnh tăng cường phòng bị và kiểm soát gắt gao tất cả các chuyến bay có chở sĩ quan, cố vấn Mỹ.
Sau trận đánh Đội biệt động nhận được lời khen ngợi của Bác Hồ “đánh Mỹ trên đất Mỹ” nên ai cũng rất phấn khởi. Cuối năm 1963 bà bị địch bắt do bị chỉ điểm. Trải qua nhiều nhà tù, tra tấn dã man nhưng địch vẫn không lấy được lời khai từ bà, chúng đày bà ra Côn Đảo năm 1966. Đầu năm 1973, bà được trả tự do trong đợt trao trả tù binh hai bên tại Lộc Ninh. Qua đây ta thấy được những đóng to lớn của bà và các chiến sỹ biệt động đã góp phần tạo nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.