Chuyện về bức ảnh chụp tại thành cổ Quảng Trị tháng 8/1972
Khi cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trở nên ác liệt, tháng 8/1972, phóng viên Bùi Công Tính đến Quảng Trị với quyết tâm vào thành cổ để lấy tư liệu phản ảnh cuộc đấu tranh anh dũng của các chiến sỹ trong cuộc đấu tranh giành, giữ thành. Khi phóng viên Bùi Công Tính đến xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị rất nhiều người ngăn cản vì những ngày đó vào thành cổ vô cùng nguy hiểm, nhưng ông vẫn không thay đổi quyết định của mình. Ông đặt vấn đề với xã muốn xin 2 cô dân quân đi cùng. Bà Phan Thị Lệ và một người bạn cùng thôn khi đó đã sẵn sàng cùng ông đi vào thành cổ.
Cầm bức ảnh trên tay, ngắm nhìn lại hình ảnh người nữ dân quân với nụ cười tươi, hồn hậu bên bức tường duy nhất còn sót lại giữa hoang tàn đổ nát của thành cổ Quảng Trị năm 1972, bà Phan Thị Lệ bồi hồi nhớ lại câu chuyện của 52 năm trước:
“Khi gặp hai O (*), chú Tính có hỏi: Tôi xin 2 cô, hai cô có sẵn sàng đi không? Hai O đều trả lời là sẵn sàng. Khi đó mình mới 17 tuổi. Nói là không sợ chết thì không phải mà lúc đó O xác định mình sẵn sàng đón nhận cái chết, vì biết rằng đi sẽ khó có ngày về. O vừa thấy mừng, vừa thấy lo. Chuẩn bị lên đường O đã xin anh bộ đội một chiếc áo để mặc cho đỡ bị lộ. Chiếc áo xin được quá dài nên O phải lấy dao cắt vì không có kéo mà cũng không mượn được ai, sau đó tự khâu lại. Tiễn đoàn lên đường, xã tổ chức gần như làm lễ truy điệu. Hơn 12 giờ đêm 16/8/1972, chú Tính và hai O bơi trên sông Thạch Hãn cùng với một đại đội bộ đội phiên hiệu 312 từ miền Bắc mới vào bổ sung cho chiến trường. Bơi vào thành cổ bằng bao bơi. Mỗi người ôm 1 bao, bên dưới có người đẩy. Khi đó sông rất đầy nước, bơi rất lâu. Vượt sông được khoảng 10m thì pháo địch đánh. Khi đó O nghĩ đến chuyện mình sẽ bỏ thân xác dưới đáy sông. Vậy mà không sao, cứ như là số mình chưa chết nên đạn pháo phải tránh mình ra để bắn vào chỗ khác vậy. Qua tới bờ bên kia tất cả mọi người chạy lao vào hầm trú ẩn trong làn đạn pháo bắn xối xả. Sáng hôm sau, vừa mới lên khỏi hầm, chú Tính vội chụp ảnh ngay, vừa chụp được mấy kiểu ảnh thì bom địch dội xuống. Mấy chú cháu và các anh bộ đội cố chạy thật nhanh. Khi ra khỏi khu vực ném bom, chú Tính chạy nhanh lên trước bấm. Trong bức ảnh này O đang không có dép, vì lúc đó cố chạy cho nhanh nên o bị mất cả dép luôn.”
Khi đưa phóng viên Bùi Công Tính vào thành cổ, bà Lệ mới hiểu hết những khó khăn, nguy hiểm của công việc quay phim, chụp ảnh tại chiến trường. Trong 3 ngày vào Thành cổ, ông đã chụp được rất nhiều ảnh về các chiến sỹ trong cuộc đấu tranh anh dũng, về 2 nữ dân quân huyện Triệu Phong. Trong bom đạn thành cổ Quảng Trị, ông đã nói với bà Lệ: “Nếu còn sống, ra được Hà Nội, khi nào có dịp chú sẽ vào Quảng Trị gửi ảnh cho cháu”.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, câu chuyện về những ngày cùng phóng viên Đoàn Công Tính vào Thành cổ đầy nguy nan vẫn luôn in đậm trong tâm trí nhưng bà không nghĩ đến ngày được gặp lại phóng viên Bùi Công Tính. Vào tháng 6/1999, khi phóng viên Bùi Công Tính tìm đến nhà, bà Lệ đã vô cùng bất ngờ và cảm động: “Thoạt đầu O không nhận ra chú Tính vì trong tâm trí của O, chú vẫn là một người trẻ chứ không phải là một người đã già với mái tóc hoa râm. Đến khi chú đưa ra bức ảnh và nói rằng đây là bức ảnh chú chụp cháu tại Thành cổ, lúc đó O vui sướng kêu lên: Chú Tính. Tặng cho O bức ảnh chú Tính viết vội dòng chữ đề tặng và địa chỉ của chú. Sau đó O phóng to ảnh treo ở nhà còn bức ảnh này O cất đi làm kỷ niệm. Một thời gian sau, khi làm xong cuốn sách về chiến tranh ở Việt Nam, chú Tính có gửi cho O cuốn sách và 3 triệu đồng. O đã bật khóc khi nhận được món quà này, O điện cảm ơn chú”.
Trao tặng bức ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Phan Thị Lệ chia sẻ: “Nhìn lại bức ảnh O luôn tự an ủi mình. Hòa bình mình còn sống sót khỏe mạnh, so với biết bao đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, thấy mình may mắn hạnh phúc lắm rồi. Bức ảnh đã tiếp sức cho O vượt qua những lo toan, vất vả của cuộc sống. O trao tặng bức ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vì tin tưởng rằng câu chuyện của O sẽ được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phát huy giá trị trong cuộc sống hiện tại”.
(Câu chuyện được ghi lại theo theo lời kể của chị Trần Thị Ngọc Ánh, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
—————————————-
* O: Cách xưng hô ngôi thứ nhất của người miền Trung: tôi, cô