Đặng Sỹ Ngọc – Ký ức không bao giờ quên

Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, chàng thanh niên Đặng Sỹ Ngọc khi đó mới 18 tuổi ở vùng quê nghèo xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu. Trong ánh mắt cương nghị và trái tim rực lửa tuổi trẻ ấy, Đặng Sỹ Ngọc chọn cho mình con đường ra trận, không hề do dự.

Tháng 6/1967, ông được biên chế vào đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị– là một trong những tọa độ lửa khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bom rơi, đạn nổ, từng tấc đất thấm máu đồng đội, từng cơn mưa như trút xối xả lên những mái tăng, hầm chữ A nơi người lính trú quân, nhưng trong khói lửa và cái chết cận kề, người lính trẻ ấy không hề chùn bước.

Suốt sáu năm chiến đấu (1967–1972), mỗi trận đánh là một lần đối diện sinh tử, một con người nhỏ bé nhưng dày đặc thương tích ấy đã vượt qua bảy lần bị thương – có vết thương tưởng chừng không thể qua khỏi. Một lần, đạn pháo xuyên qua bụng và gãy cả xương cánh tay trái, cơ thể ông khi ấy như rách toạc, nhưng ý chí không khuất phục, ông vẫn cắn răng chịu đau, tự trấn an mình: “Còn sống là còn chiến đấu.” và kỳ diệu thay, ông sống để trở về cùng đồng đội.

Đặc biệt, 4 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1972 tại khu vực Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, đại đội ông triển khai trận địa chống quân địch đổ bộ đường không nhằm đánh chiếm lại kho tàng và sân bay Ái Tử. B52 đánh đúng đội hình đại đội, tiếng nổ xé tai, chớp giật liên tục, trời đất chao đảo, một quả bom sát thương phát nổ cách ông vài mét làm hai đồng đội cùng hầm hy sinh tại chỗ, ông bị thương nặng vì bị mảnh bom cắm vào xương đùi phải, bụng và mất hoàn toàn thính lực. Với thân hình bất động, các vết thương quá nặng, liên tục nhiễm trùng, trong mưa bom bão đạn, ông được chuyển ra Bắc điều trị và an dưỡng, trở thành thương binh nặng, mất sức 81%. Cuộc đời chiến trận của Đặng Sỹ Ngọc không chỉ là chuỗi ngày của thương tích và bom đạn, mà còn là câu chuyện về tình đồng đội, niềm tin vào thắng lợi, và khát vọng sống cao đẹp.

Giữa khốc liệt của chiến tranh, ông vẫn làm thơ, viết nhật ký – lưu giữ những xúc cảm chân thật nhất của một người trẻ giữa chiến tranh: về đồng đội ngã xuống, về nỗi nhớ nhà, về ước mơ hoà bình. Những trang viết này không chỉ là ký ức cá nhân, mà còn là một phần nhỏ trong lịch sử lớn lao của dân tộc nơi ghi dấu tinh thần chiến đấu quả cảm, tình đồng đội và khát vọng sống giữa chiến tranh ác liệt.

Những cuốn nhật ký ông luôn trân trọng và lưu giữ rất cẩn thận, để rồi có dịp ra Hà Nội ông đã quyết định trao tặng những kỷ vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với mong muốn đóng góp một phần tư liệu chân thực cho công tác trưng bày, giáo dục truyền thống. Ông chia sẻ “Hy vọng những trang nhật ký này sẽ tiếp tục sống trong lòng công chúng, nhất là thế hệ trẻ, như một lời nhắc nhớ về giá trị của hòa bình và lòng yêu nước”.