Hội thảo khoa học quốc gia – hành động thiết thực để áo dài Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Sáng 26/6/2020, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”. Hội thảo là hoạt động quan trọng nối tiếp trong chuỗi các sự kiện chủ đề “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Tới dự hội thảo có bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, TS. Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Bài, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cùng nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Bộ, ban ngành và các giảng viên trường đại học, nhà khoa học, các nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài… trong cả nước.
Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN chia sẻ mong muốn trong lời dẫn khai mạc Hội thảo: “Mặc dù áo dài có một lịch sử hàng mấy trăm năm và rất phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm, và những biến đổi không ngừng của chiếc áo dài...Vì vậy, hội thảo ngày hôm nay sẽ góp phần tìm hiểu về giá trị, bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam; cung cấp cứ liệu để nhận diện sự tham gia của cộng đồng, các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc Áo dài, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị Áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung là tư liệu quý để các cấp, các ngành đề xuất hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật quốc gia thể liên quan đến Áo dài”.
Hội thảo là cuộc gặp gỡ của những con người cùng có chung mong muốn được giới thiệu, tôn vinh di sản, văn hóa Việt Nam. Bên cạnh phần trình bày tham luận, các ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo làm rõ thêm các vấn đề như lịch sử phát triển áo dài Việt Nam; nhận diện, giá trị, bản sắc và biểu tượng của áo dài Việt Nam; sự đa dạng, kiểu cách, thiết kế áo dài Việt Nam; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Việt Nam.
Tiếp cận từ góc độ giáo dục di sản, TS. Mai Thị Thùy Hương chia sẻ “Áo dài góp phần giáo dục truyền thống, văn hóa mặc áo dài không chỉ góp phần giáo dục thẩm mỹ mà còn giáo dục cả giá trị yêu nước, lòng tự hào dân tộc cũng như lối sống văn hóa thanh lịch cho thế hệ trẻ.”
Với tinh thần khoa học, dân chủ và trách nhiệm xã hội cao, những ý kiến trao đổi tâm huyết của các chuyên gia trong Hội thảo là những cứ liệu quan trọng cho quá trình lập hồ sơ áo dài đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và là nền tảng cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá góp phần nâng cao lòng tự hào, ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.
Cũng trong dịp này, triển lãm chủ đề “Áo dài Việt Nam xưa và nay” được giới thiệu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm cung cấp thông tin, hình ảnh về những biến đổi từ kiểu dáng, chất liệu cho tới nghệ thuật trang trí của áo dài để tạo nên biểu tượng vẻ đẹp của phụ nữ Việt trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Những thông tin khoa học, bổ ích về sự ra đời và phát triển của Áo dài từ thế kỷ XI sẽ phần nào giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu hơn về giá trị lịch sử và văn hóa của áo dài, góp phần lan tỏa và tôn vinh di sản áo dài Việt.
Một số hình ảnh Hội thảo và triển lãm: