Ký ức Hà Nội tháng Mười năm ấy

70 năm đã trôi qua, nhưng ngày 10/10/1954 là dấu ấn lịch sử không thể quên đối với các thế hệ người dân Việt Nam nói chung, thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới, nhân dân lao động được làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bước vào xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa. Với bà Đỗ Thị Kim Dung, nguyên cán bộ Thành hội Phụ nữ Hà Nội thì ngày này còn có một ý nghĩa đặc biệt, trở thành một kỷ niệm không phai với những năm tháng thanh xuân đầy nhiệt huyết để góp phần làm nên sự kiện lịch sử NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu những kỷ vật và câu chuyện của bà Đỗ Thị Kim Dung, một chứng nhân lịch sử, đã từng tham gia sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc 70 năm về trước.

Người cán bộ nội đô

Bà Đỗ Thị Kim Dung tên thường gọi là Hoàng Lan Dung, các bí danh Hoàng Lan, Minh Ngọc, Lê Minh Tuyên. Bà sinh ngày 4/12/1934 tại làng Thạch Khôi (nay thuộc phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu chủ song bà Dung đã có tinh thần giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Bà tham gia thiếu nhi cứu quốc ở khu phố Hàng Than (Hà Nội) khi mới 11 tuổi, năm 13 tuổi bà tham gia trong Hội thanh niên phật tử với nhiệm vụ tuyên truyền vận động thanh niên phật tử làm việc thiện, rải truyền đơn kháng chiến chống địch bắt lính, bán công trái kháng chiến… tại địa bàn các chùa Hòe Nhai, Bà Đá, Chân Tiên…

Với những thành tích xuất sắc trong công tác nên khi mới 16 tuổi bà đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cuối năm 1950, bà được Quân ủy nội thành quyết định cho ra vùng tự do theo học lớp Chi ủy viên khóa 16 trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Tháng 3 năm 1951 bà được biệt phái sang làm cán bộ phụ vận tại huyện ủy Mỹ Đức, Hà Tây. Đến tháng 10/1951 bà được thành ủy Hà Nội điều trở về nội thành và từ tháng 2/1952 bà hoạt động công khai tại nội thành trong các tổ chức quần chúng: trường nữ công Đức Hợp, trường Văn hóa Chí Linh, Hội phụ nữ Bắc Hà, Hưng Ký, Diệu Nam, Tuệ Linh với nhiệm vụ vận động thanh niên trí thức quần chúng chống bắt lính, không tiếp tay cho giặc, ủng hộ kháng chiến…

Những ngày chuẩn bị tiếp quản Thủ đô

Để chuẩn bị chu đáo, an toàn cũng như tổ chức các cuộc mít tinh diễu hành, biểu dương lực lượng mừng Đảng và Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã chỉ thị cho các Quận ủy quán triệt tinh thần cho các cán bộ nội thành tích cực chuẩn bị cho hoạt động chào mừng này.

Tháng 8 năm 1954, Quân ủy đã chỉ thị bà Dung vận động và đón những quần chúng tích cực trong thành phần công chức, tầng lớp trí thức các chị em tiểu thương … ra vùng tự do tham dự lớp tập huấn chính trị tại Vân Đình, ngoại thành Hà Nội. Những quần chúng tích cực này sẽ là lực lượng tuyên truyền các chủ trương chính sách của Ủy ban kháng chiến, của Chính phủ, Nhà nước đối với nhân dân nội thành trước khi về tiếp quản Thủ đô, khơi dậy tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân nội thành giúp Chính phủ bảo vệ tài sản, bảo vệ các cơ sở vật chất mà quân đội Pháp trước khi rút quân đã cố tình phá hoại nhằm gây khó khăn cho ta.

Kết thúc lớp tập huấn, bà về công tác tại Hội LHPN thành phố Hà Nội cùng các chị em làm công tác phụ vận chuẩn bị cho ngày Chính phủ về tiếp quản Thủ đô như chuẩn bị băng rôn, khẩu hiệu mít tinh, vận động chị em tham gia vào đoàn diễu hành cùng các đoàn thể quần chúng khác biểu dương lực lượng.

Vốn xuất thân trong gia đình tiểu chủ, là người con gái Hà thành hiểu rõ nếp ăn ở sinh hoạt của các tầng lớp phụ nữ nội thành, nên bà được giao nhiệm vụ phổ biến lại đặc điểm sinh hoạt của chị em nội thành cho các cán bộ phụ nữ Trung ương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động chị em phụ nữ tham gia mít tinh, diễu hành biểu dương lực lượng cũng như tuyên truyền chủ trương chính sách của Chính phủ cho đông đảo tầng lớp nhân dân trước khi về tiếp quản Thủ đô.

Nhờ có công tác chuẩn bị chu đáo mà buổi diễu hành mít tinh chào mừng ngày Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô đã diễn ra một cách an toàn có tổ chức, riêng đoàn phụ nữ đã huy động được hơn 10 nghìn chị em tham gia cùng các ban ngành tổ chức đoàn thể khác. Bà Dung được đánh giá là một trong những cán bộ Thành hội xuất sắc đã tổ chức cho chị em phụ nữ diễu hành một cách có trật tự nhất và giải tán được an toàn. Tại hội nghị đánh giá tổng kết công tác chuẩn bị cho Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, bà được Ban chấp hành Hội LHPN thành phố Hà Nội tặng giấy khen.

Những hiện vật lịch sử

Kỷ niệm về những tháng năm lịch sử ấy không chỉ là những câu chuyện và ký ức, bà Đỗ Thị Kim Dung còn giữ được một số hiện vật mà đối với bà, giờ đây đã trở thành kỷ vật thiêng liêng. Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu một số hiện vật liên quan đến một thời kỳ lịch sử hào hùng của bà.

Quân hiệu Ủy ban Quân chính Hà Nội

Quân hiệu do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cấp cho các cán bộ hoạt động nội thành, cán bộ các đơn vị, các đoàn thể quần chúng khi về tiếp quản Thủ đô.

Tháng 8/1954, sau khi đi học xong lớp tập huấn bồi dưỡng chuẩn bị cho công tác tiếp quản Thủ đô, bà Kim Dung được biên chế sang cán bộ Hội LHPN thành phố Hà Nội. Quân hiệu này bà Kim Dung được Hội LHPN thành phố Hà Nội cấp ngày 9/10/1954 và được bà sử dụng khi tham gia trong thành phần cán bộ Hội Phụ nữ tham gia cùng đoàn Quân chính Đảng và sư đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Trong các công tác phụ vận, tuyên truyền chủ trương chính sách của Ủy ban cho các tầng lớp nhân dân nội thành, quân hiệu cũng được bà Dung sử dụng khi làm nhiệm vụ.

Giấy khen của Thành hội Phụ nữ Hà Nội

Giấy khen bà Đỗ Thị Kim Dung được Ban chấp hành Thành hội Phụ nữ Hà Nội khen thưởng ngày 01/01/1955 do đã có thành tích xuất sắc trong công tác phụ vận, tổ chức đông đảo quần chúng dự biểu dương lực lượng mừng Hồ Chủ Tịch, Đảng và Chính phủ về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.