Kỷ vật chiến tranh từ những “Bông hồng thép”
Ngày 5/10/2018, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự và xúc động được đón nhận những kỷ vật chiến tranh từ 23 nữ công binh thép thuộc Trung đội nữ công binh thép năm xưa trao tặng.
Trung đội nữ công binh thuộc B3C3 tiểu đoàn 33 – Binh trạm 14 – Đoàn 559, chiến đấu ở trọng điểm cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Phu- La- Nhích (gọi tắt là trọng điểm ATP) thuộc tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào. Đây là trung đội nữ đầu tiên được đưa đến trọng điểm A-T-P, nơi quân địch tập trung ngày đêm bắn phá ác liệt, nơi được coi là túi bom, tọa độ lửa.
Những chiếc ba lô từng cùng các cô làm nhiệm vụ trên trọng điểm khốc liệt nhất của đường Trường Sơn; Những hộp thuốc đi cùng thời con gái qua những mùa sốt rét rừng; Những mảnh dù, cánh võng; bi đông, hộp đựng cơm; những hộp đựng kim tiêm hay hộp đựng kim chỉ… gợi cả những câu chuyện đời thường và cuộc đời binh nghiệp phá bom, lấp hố bom, nối liền tiền tuyến với hậu phương.
Trung đội phó Trung đội nữ công binh Dương Thị Trình nghẹn ngào phát biểu trong niềm xúc động khi những kỷ vật này sẽ góp phần giúp cho thế hệ trẻ, cho khách tham quan trong nước và quốc tế hiểu được phần nào về những trang sử của dân tộc Việt Nam. Cô cũng tự hào nhắc lại sự kiện Trung đội vinh dự được Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ghé thăm ngay tại tọa độ lửa đèo Phu-La Nhich tháng 3/1973 và đặt tên cho Trung đội là “Trung đội nữ công binh thép”. Sau chuyến thăm đó, Đại tướng còn gửi một bao tải quả bồ kết, 1 súc vải màn và 100 bánh xà phòng tặng toàn thể chị em của Trung đội. 30 năm sau, Đại tướng nhắn tin tìm Trung đội trên truyền hình và nhiều cô đã vỡ òa hạnh phúc khi được ra Hà Nội thăm Người. Năm 2015, Trung đội đã được tôn vinh trong chương trình truyền hình “Bông hồng thép” vì những cống hiến cho nền độc lập dân tộc.
Trở về với cuộc sống đời thường, những ‘bông hồng thép’ năm xưa lại tiếp tục thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Cũng có cô cả cuộc đời sống với ký ức tình yêu đã hy sinh ở chiến trường, nhưng lại mở lòng cưu mang, nuôi dưỡng những đứa con của đồng đội bị dị tật, ốm đau.
Kỷ vật của các cô chắc chắn sẽ được trang trọng bảo quản, giữ gìn tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và sẽ sớm được giới thiệu tới đông đảo công chúng thông qua các hoạt động trưng bày, giáo dục.