Lá thư cuối cùng gửi chị gái

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuân sinh ngày 01/12/1946 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1965, chị nhập ngũ vào đơn vị C373, đội 37 Thanh niên xung phong có nhiệm vụ mở và bảo vệ tuyến đường Trường Sơn từ Thanh Hóa vào Quảng Trị.

Cuộc sống gian khổ nhưng luôn lạc quan của các nữ thanh niên xung phong nơi chiến trường được Nguyễn Thị Ngọc Tuân kể lại chân thật cho chị gái mình trong lá thư ngày 25/2/1968 “Đi vào trong này nhiều khó khăn lắm. Nhân dân không có ai họ sơ tán ra ngoài mình cả. Em đóng quân trên đỉnh núi Trường Sơn, nơi mà từ xưa tới nay chưa ai đặt chân tới. Qua cuộc hành quân vừa rồi thật là vất vả, cheo leo trên đỉnh núi chỉ có một con đường độc đạo và một người đi thẳng, hai người ngược chiều mà không khéo thì lăn xuống sông Long Đại, chỉ còn xương không hoặc làm mồi cho cá. Chúng em vai vác nặng phải leo những cái dốc rất cao, có cái dốc đi từ 6 giờ sáng cho tới 6 giờ tối lên tới đỉnh dốc và từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng mai mới tới chân dốc, như vậy là đi 24 tiếng đồng hồ mới hết dốc. Đấy mới là những dốc thấp nhất, một ngày gần đây chỉ sang tháng 3 này, chúng em lại lên đường hành quân và còn phải trèo qua một cái dốc cao 1300 bậc, lên tới đỉnh thì sẽ thấy được giữa lòng đất miền Nam, nhìn được Lào, nhìn thấy miền Bắc xã hội chủ nghĩa đẹp lắm chị ạ. Còn thực phẩm sinh hoạt chúng em vào trong này tất cả mọi cái ăn bằng đồ hộp, nước hứng từng giọt, hàng mấy tháng không thấy một miếng rau tươi, chúng em ăn muối với đồ hộp, có lúc 3-4 ngày không có muối ăn, nhưng khó khăn không dập tắt được tinh thần lạc quan của các cô gái trẻ nên gian khổ chết chóc cũng không ai sờn lòng, nản chí, họ vẫn vui vẻ, chúng em có câu tiếng hát át tiếng bom”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Đạt không thể ngờ đây là lá thư cuối cùng nhận được từ em gái mình vì chỉ 9 tháng sau chị Nguyễn Thị Ngọc Tuân hy sinh.

Tuy mãi mãi không còn được gặp người thân của mình nhưng hình ảnh chị Nguyễn Thị Ngọc Tuân luôn in đậm trong các thành viên của gia đình trong đó có ký ức của em trai chị – Nguyễn Thanh Tùng: “Hồi còn bé, tôi thường được chị dắt đi chơi. Bố mẹ tôi công tác ở Hà Nam cuối tuần mới về, mỗi khi về có quà bánh ngon, chị đều nhường hết cho tôi. Những buổi chiều mát, chị gấp giấy làm diều cho tôi chạy thả quanh sân. Có hôm chị gấp giấy làm thuyền có mui rồi thả vào chậu nước cho nó bơi, tôi háo hức ngồi cạnh chậu nước chơi nghịch, lấy tay té nước làm ướt và hỏng thuyền nhưng chị không giận tôi. Chị chỉ cười và nói để mai chị lại gấp thuyền khác cho tôi chơi. Năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chị xung phong lên đường nhập ngũ. Lúc chia tay, chị ôm tôi vào lòng và nói “Em ở nhà ngoan, khi nào hòa bình chị sẽ về làm diều và gấp thuyền cho em nhé”. Tôi cứ mong mãi đến ngày hòa bình. Nay đất nước đã hơn 40 năm thống nhất, chị tôi vẫn chưa về và mãi mãi không trở về. Nhưng với tôi chị lúc nào cũng ở bên và mãi mãi bên tôi như ngày tôi còn bé”.

Năm 2015, hưởng ứng cuộc vận động viết, sưu tầm tư liệu hiện vật về những tấm gương phụ nữ trong kháng chiến do Hội LHPN Việt Nam phát động, gia đình nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuân đã hiến tặng lá thư cuối cùng của chị cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.