Những cô gái Hà Thành tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Đó là câu chuyện về những cô gái trẻ – “tiểu thư” đất Hà thành sẵn sàng rời bỏ giảng đường, xếp lại bút nghiên để lên đường tòng quân, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những thiếu nữ đó thường xuất thân từ những gia đình khá giả nhưng vì đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, không một thoáng lững lự, không một phút ngần ngại, đắn đo, họ đã bỏ lại tất cả: gia đình, sự bình an và cả một tương lai tươi sáng để thực hiện nghĩa vụ cao cả: tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vậy họ là ai? Đó là những chiến sĩ áo trắng của chiến dịch Điện Biên Phủ, là các nữ y tá không sợ hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt, là những nhân chứng lịch sử trong triển lãm «Ký ức Điện Biên »: Nguyễn Thị Mai Tâm; Ngô Thị Tuyết An; Phạm Thị Tín; Trần Thị Luật; Nguyễn Thị Hồng Minh, Ngô Thị Thái Nghiêm…

Một điểm chung của các nữ chiến sĩ quân y có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ độ tuổi đôi mươi, đều là các sinh viên y khoa. Hình ảnh quen thuộc của họ lúc đó là: Đầu đội mũ nan có lớp vải bọc lưới ngụy trang, chân đi dép lốp, ngang lưng đeo ruột tượng đựng gạo, vai mang túi bông băng, thuốc hoặc dụng cụ chuyên môn. Chiếc ba lô đựng quần áo, màn, miếng nilon che mưa, ngoài ra là những đồ dùng cá nhân. Trong thời gian phục vụ chiến dịch, mặc dù phải hành quân xa, họ vẫn vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu để theo kịp đội hình. Ban ngày, chị em trú quân ở những cánh rừng, ban đêm lại tiếp tục hành quân, cứ đi mải miết, phải đến hàng tháng. Thỉnh thoảng họ lại phải dừng lại để cấp cứu, phẫu thuật khi có người lính bị thương. Ngoài ra khi hành quân, những nữ chiến sĩ quân y còn phải đối mặt với nhiều khó khăn rất riêng của phụ nữ, nhất là đúng ngày “chu kỳ”, do không được vệ sinh, nghỉ ngơi kịp thời nhiều chị em còn không bước nổi.

Bồi hồi nhớ lại, Bà Ngô Thị Tuyết An, người con gái phố Hàng Nón năm xưa, là Y tá Đội điều trị 6, xúc động kể: “Chúng tôi hành quân rất vất vả nhất là chị em phụ nữ những ngày “đến tháng”. Tôi còn nhớ trong chiến dịch Hòa Bình, khi hành quân qua suối, tôi không biết bơi nên phải bám vào chiếc nồi của cấp dưỡng để các anh ấy đẩy sang »

Y tá Ngô Thị Tuyết An, Đội điều trị 6 chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Với y tá Nguyễn Thị Hồng Minh, 20 tuổi, từ một nữ sinh Hà Nội đầy bỡ ngỡ đã trở thành nữ chính trị viên Đội điều trị 2. 60 năm sau, bà vẫn nhớ như in : “Những thương binh nặng nhất thuộc trách nhiệm của tiểu đội tôi. Có lần, một chiến sĩ bị thương cả hai tay nhờ tôi cho đi tiểu. Khổ nỗi, tôi khi ấy còn trẻ, chưa có chồng nên quá xấu hổ, lật đật mãi tôi mới giúp được anh. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ anh ấy như anh ruột mình, giờ không tự chăm sóc được bản thân thì mình chăm sóc”

Y tá Nguyễn Thị Hồng Minh, Đội điều trị 2

Vợ chồng bà Hồng Minh, tháng 10/1954

Còn Y tá Trần Thị Luật, đội điều trị 3, 21 tuổi, rời đất Hà thành để đi kháng chiến với tâm nguyện “hạnh phúc lớn nhất của tôi là được đóng góp sức mình cho Tổ Quốc”. Bà nhớ lại: “Đội điều trị 3 ở tuyến đầu cách Mường Thanh 2 km, cứu chữa thương binh ở dưới hầm, khi mưa bùn lầy lội phải sắn quần, lấm be bét. Đồ dùng sinh hoạt thiếu, tôi lấy tre đan gáo lót lá và cưa ống nứa cho thương binh đi vệ sinh. Tuy khó khăn nhưng vẫn cố gắng giữ vệ sinh cho anh em ».

Y tá Trần Thị Luật, đội điều trị 3

Câu chuyện của Y tá Nguyễn Thị Mai Tâm, 19 tuổi, con gái một gia đình tư sản ở Hà Nội đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa để được ra chiến trường, có những điều nhớ lại, bà vẫn cảm thấy hối tiếc “Năm 1954 chiến trường Điện Biên Phủ rất ác liệt, thương binh nhiều. Có một anh bị thương nặng liên tục kêu khát nước nhưng ở giữa rừng không có nước. Tôi lấy lá cọ vắt từng giọt nước đựng vào ống bơ sữa bò để anh uống. Thấy anh đau đớn, tôi vội đưa tay để anh gối đầu, miệng anh mấp máy “Chị ơi em chết dần chết dần đây này” rồi trút hơi thở cuối cùng. Điều làm tôi đau đớn và hối tiếc đến tận bây giờ là để anh ra đi trong tình trạng khát nước.”

Y tá Nguyễn Thị Mai Tâm (người thứ 5 từ trái sang)

60 năm đã trôi qua, những cô gái Hà thành tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa nay đã đều ở ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”. Giờ đây, bên cạnh các con cháu, họ được gọi là cụ, là bà. Nhưng với chúng tôi, những nữ y tá đó vẫn còn vẹn nguyên khí thế hừng hực của tuổi thanh xuân phơi phới. Với mảnh đất Điện Biên, họ vẫn như những bông hoa ban thuần tuý, tinh khiết, toả hương thơm. Và với lịch sử dân tộc, họ chính là những người góp phần không nhỏ cho một mốc son chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.