Những lá thư gói lời cha dặn

Những lá thư tay được viết từ chiến trường cách đây hơn nửa thế kỷ, có thể không còn nguyên màu mực, nhưng lại chứa đựng nguyên vẹn một tình yêu – với Tổ quốc, với gia đình, với tương lai. Bốn bức thư tay của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Dỵ gửi cho con của mình vào các năm 1969, 1970 – thời gian không lâu trước khi ông hy sinh là minh chứng cho điều đó. Những dòng chữ được viết trong thời gian ở đơn vị (trên Vĩnh Phúc) và trên đường hành quân vào Nam đều mang nặng trái tim người cha, người chồng, người chiến sĩ khi nghĩ về hậu phương và đặc biệt là những đứa con của mình:

“Các con đã lớn, đã được mẹ nuôi cho ăn học và chơi, các con cần cố gắng chăm học và giúp đỡ mẹ, săn sóc em trong những buổi nghỉ để đỡ mẹ. Đó là điều mong muốn của bố.”

“Bố rất thương, rất quý các con và các em. Nhưng công lao của bố đối với các con rất nhỏ bé, vì bố đi đánh Mỹ không ở nhà để nuôi nấng, dạy bảo các con được, mà công lao lớn nhất đối với các con là mẹ con đấy. Các con cần thương mẹ, giúp mẹ, nghe lời mẹ nhé.”

“Các con quý mến: các con cố gắng học nhé. Tổ quốc, xã hội, đất nước Việt Nam là của các con. Sau này khi bố về nghỉ các con sẽ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các con muốn trở thành người như bố và hơn bố thì phải học cho tốt.”

Trong thư, ông không nói nhiều về gian lao chiến trận, mà nói đến lòng biết ơn người vợ tảo tần và hy vọng vào tương lai của các con. Lời cha dặn từ chiến trường không chỉ là sự quan tâm mà còn là bài học về đạo đức, về nhân cách làm người.

Anh Lê Văn Hòa chia sẻ những ký ức về người cha của mình “Những lần về phép ít ỏi, cha thường lôi anh em tôi đi câu cá, vừa để kiếm thêm thức ăn cải thiện, vừa có thời gian cha con gần gũi, giảng giải đạo đức, lẽ sống cho các con. Tôi lớn nhất hay được cha kể chuyện chiến đấu. Cha là người yêu văn nghệ, hay hát những bài hát “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo”, “Chiến thắng Điện Biên”. Ông thích kéo nhị, kéo ác-coc-đê-ông, kèn ác-mo-ni-ca. Thừa hưởng gien của cha, tôi cũng có thể thổi kèn ác-mo-ni-ca giỏi; biết giúp mẹ lo toan cho các em. Khi 14 tuổi, cha hy sinh, tôi trở thành trụ cột gia đình”.

Thư của liệt sĩ, Anh hùng LLVT lê Văn Dỵ gửi các con ngày 22/10/1969

Các bức thư đã được người con trai là ông Lê Văn Hòa trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào tháng 5/2024. Cùng với cuốn hồi ký “Đường tôi đi”, những lá thư ấy góp phần phác họa một chân dung đầy nhân văn của người lính thời chiến: không chỉ kiên trung với Đảng, với nhân dân, mà còn là người cha mẫu mực, người chồng thủy chung, luôn hướng về mái ấm gia đình như một nguồn sức mạnh nội lực.

Trong không khí tháng 4 lịch sử, khi cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), những lá thư thời chiến ấy như một lời nhắc nhở sâu sắc: chiến thắng hôm nay được đánh đổi bởi máu xương của biết bao người chồng, người cha như ông Lê Văn Dỵ, họ ngã xuống để “Non sông, đất nước ta sau này là của các con đấy con ạ”.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trân trọng gìn giữ và giới thiệu những lá thư này như một phần ký ức thiêng liêng của dân tộc – để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể cảm nhận được “lịch sử” không chỉ trong những chiến thắng hào hùng, mà còn trong từng nét chữ của tình yêu và hy vọng.

—————————–

Một số thông tin về liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Lê Văn Dỵ

Ông Lê Văn Dỵ sinh năm 1926 ở thôn Văn Quán, xã Đồng Tâm, huyện Yên Lãng, Vĩnh Phúc, nhập ngũ năm 1946. Với bề dày 24 năm liên tục phục vụ trong quân đội, tham gia hàng chục trận đánh trong nhiều chiến dịch lớn trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là một chiến sĩ bản lĩnh, dày dạn trên chiến trường. Ông đã từng công tác, chiến đấu ở các đơn vị: Trung đoàn Vĩnh Phúc (1946), Trung đoàn 72 Bắc Kạn (1947 – 14.9.1949), Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng (15.9.1949 – 10.1953), Trung đoàn 176 (10.1953 – 1956).

Sau khi cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông lại lên đường chiến đấu làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 316. Sau 5 năm chiến đấu tại nước bạn, tháng 10/1964 Lữ đoàn 316 trở về hậu phương tổ chức lại theo mô hình Sư đoàn để phù hợp với yêu cầu tác chiến trong tình hình mới. Ngày 19/3/1965 ông được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Trung đoàn 174 Sư đoàn 316 (tháng 5/1966 là Tham mưu trưởng), ông lại cùng đồng đội vượt Trường Sơn sang Lào tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh cuộc chiến ngày càng khốc liệt hơn. Ngày 13/3/1970 ông hy sinh giữa lúc Chiến dịch Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.