Những lá thư thời chiến mang thông điệp “Gia đình yêu thương”
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như tình yêu quê hương đất nước, sự thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được các gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử.
Trong cuộc sống, những người thân yêu trong gia đình được đoàn tụ bên nhau là một điều tuyệt vời, tuy nhiên có rất nhiều gia đình đã phải chia xa vì nhiều hoàn cảnh và lý do khác nhau. Với những người đi xa, gia đình đối với họ luôn là điểm tựa, sức mạnh giúp họ trưởng thành và vượt qua mọi gian khó. Ở nơi xa ấy, dường như sự thương nhớ, tình cảm về những người thân yêu luôn đong đầy, họ muốn nói rất nhiều, muốn thể hiện tất cả tình yêu, sự quan tâm chăm sóc tới các thành viên trong gia đình thông qua những lá thư.
Càng ý nghĩa hơn khi tại chiến trường ác liệt, giữa sự sống và cái chết mong manh, những cánh thư từ tiền tuyến gửi về hậu phương đã giúp người lính quên đi sự khốc liệt của chiến tranh để có những giây phút trở về với khung cảnh gia đình, động viên, chia sẻ vợ và các con trong cuộc sống. Những lá thư tay của người lính luôn thiết tha, mãnh liệt nhưng cũng vô cùng cảm động và chân thành. Chúng tôi xin trích dẫn một số bức thư trong hàng nghìn lá thư thời chiến hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam:
Các con thân yêu, mến thương của ba, ba rất nhớ các con, ba xem ảnh các con luôn, thư của các con gửi cho ba, ba giữ mãi thỉnh thoảng đọc thư con ba lâng lâng trong lòng chan chứa niềm vui. Ba thương các con lắm nhưng biết làm sao mà gửi các thứ ra cho con. Ba nghe tin cô giáo khen các con lắm, mỗi lần Nhân đứng dậy đọc bài ngồi xuống là ai cũng muốn nhìn, ba hình dung các con mà sung sướng. Em Nghĩa bữa nay có khỏe và mập không, em chắc nhớ ba lắm từ nhỏ đến lớn cứ nằm trong lòng ba, đi công tác đâu xa thì đếm từng ngày, bữa cơm có ba ăn thì ngon thêm, thế mà không nhớ sao được. Em Nhã bữa nay đã học được chưa, đã viết được chưa có đi chơi nắng không, có ghẻ không, còn em Vân thì nghe nói cũng ngoan và đẹp gái không kém chị. Em Vân hay quá hè, xa mẹ mà cũng không sao cả lại được ngoan, được ca hát vui vẻ quá hè. Ba hình dung em Vân bữa nay nói năng thành thạo rồi, dạo này mẹ có mua cho các con đôi giày nào chưa… (Trích thư của ông Trần Trọng Hoán gửi cho vợ là bà Phan Thị Miên ngày 30/4/1966)
Những nỗi nhớ nhung mong ngóng vừa là khát khao, vừa là động lực. Mong có một ngày đất nước sạch bóng quân thù, người lính, người cha trở về để được ôm các con vào lòng, để được kể cho các con nghe câu chuyện đánh Mỹ. “Các con ạ, ba nhớ các con lắm; thương các con nhiều nhưng cũng rất phấn khởi được các con khỏe mạnh học hành giỏi giang. Khi nào có dịp ba sẽ kể chuyện đánh Mỹ ở miền Nam cho các con nghe…”
Và dù có nhớ nhung, yêu thương hay lo lắng nhưng khi đất nước còn cần, người lính vẫn luôn sẵn sàng gác lại tình riêng, hết sức động viên gia đình đặt tình yêu đất nước, lợi ích tập thể lên trên hết:
“…Xuất phát từ tình hình yêu cầu của cách mạng của Đảng anh em ở lại một năm nữa chắc em cũng tán thành và hài lòng với ý anh.
Em phải coi đó là một niềm tự hào chồng em đã giác ngộ thấy rõ trách nhiệm của cách mạng do Đảng yêu cầu.
Biết đặt tình cảm cá nhân dưới lợi ích tập thể để thực hiện
Muôn nghìn gian khó vượt qua
Yêu nhau việc nước việc nhà vẹn hai
Dậu yêu Ân chăm lo mọi mặt
Ân yêu Dậu chắc sáng tương lai”
(Trích Thư của ông Trần Mộng Ân gửi vợ ngày 6/2/1963)
Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, nhiều gia đình đã được đoàn tụ, song cũng có những “người cha, người mẹ” mãi nằm lại nơi xa xôi không trở về với gia đình. Thư thời chiến vì thế trở thành những ký ức đẹp, những kỷ vật vô cùng thiêng liêng còn lưu giữ lại khi họ nghĩ về nhau, đồng thời là nguồn tư liệu lịch sử quý giá cho thế hệ sau hiểu thêm về một thời kỳ khói lửa chiến tranh, về tình yêu, niềm tự hào dân tộc, tình yêu thương gia đình… góp phần giáo dục lòng yêu nước, gìn giữ truyền thống gia đình tới lớp lớp các thế hệ sau.