Nữ nhà báo cũng là nữ chiến sĩ
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xin được giới thiệu một câu chuyện ngắn về bà Dương Thị Duyên – Trưởng phòng Tin Miền Nam, Thông tấn xã Việt Nam, nữ nhà báo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từng tham dự Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình tại Pháp từ 1968 – 1970.
Năm 1968, Việt Nam mở mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris. Một đoàn cán bộ 37 người được cử đi đợt đầu tiên mang bí số là “Đoàn 37”. Trong suốt thời gian ở Pháp và một số nước lân cận như Ý, Bỉ, Thụy Sĩ,…, ngoài thu thập thông tin và thường xuyên gửi tin bài về Tổng xã ở Hà Nội, bà Duyên còn tham dự rất nhiều cuộc họp, mít – tinh, vận động quần chúng nhân dân ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam.
“Đội quân tóc dài”của Việt Nam cũng có mặt ở Paris để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao nhân dân, phát triển tinh thần đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ (Bà Duyên đứng thứ hai tính từ bên phải qua)
Nhiều nhà trí thức, nhà báo Mỹ đã đến tận trụ sở đoàn Việt Nam bày tỏ chính kiến của họ về cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam.
Với cách làm việc chuyên nghiệp cùng thái độ cởi mở, ôn hoà, bà đã tạo được ấn tượng tốt với các chính khách và nhân dân thế giới về con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, dân chủ.
Huy hiệu Phụ nữ ba đảm đang được bà Dương Thị Duyên cài vào áo dài đi công tác ở Paris 1968 – 1970, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Dáng người nhỏ bé nhưng tầm ảnh hưởng của bà không hề nhỏ. Bà Dương Thị Duyên không chỉ là một nhà báo có trách nhiệm với công việc, mà còn là một chiến sĩ dũng cảm và đầy nhiệt huyết trên chiến trường ngoại giao. Với trái tim ngập tràn tình yêu nước, tình thương lẫn đau xót cho đồng bào đang khổ đau và mất mát vì chiến tranh, bà đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang trên mặt trận ngoại giao trong thời kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.
Ngày nay, khi dịch Covid – 19 đang diễn ra rất phức tạp, cả xã hội đang phải chiến đấu với kẻ thù vô hình. Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ là những chiến sĩ nòng cốt tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ tính mạng mọi người thì các nữ nhà báo nói riêng và các nhà báo nói chung tiếp tục kế thừa phẩm chất tâm huyết với nghề, khôn khéo trong cách làm việc của các thế hệ đi trước, đã xông pha vào tận các ổ dịch, chấp nhận khó khăn và nguy cơ nhiễm bệnh để có thể đưa tin đúng đắn về tình hình dịch ở nơi đó, cũng như những biện pháp ứng phó của chính quyền địa phương để người dân cả nước yên lòng. Nhiều người trong số họ có thể không nổi tiếng nhưng họ cũng là một trong những chiến sĩ của cuộc chiến chống Covid – 19 và những cống hiến thầm lặng của họ xứng đáng được ghi nhớ và tôn vinh.