Thẻ nhà báo của nữ nhà báo duy nhất trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris
Đến Paris từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước nhà ở thế kỷ XX, bà Dương Thị Duyên, Trưởng phòng tin miền Nam, nữ nhà báo Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) từng được nhiều nhà hoạt động chính trị và thông tin báo chí quốc tế biết đến, nể phục.
Bà Dương Thị Duyên sinh năm 1929, ở Hà Nội. Khi còn nhỏ, cô tiểu thư Duyên được cha là Giáo sư Dương Quảng Hàm cho theo học Trường Nữ sinh Đồng Khánh từ cấp Tiểu học và luôn đạt thành tích học tập xuất sắc. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà cùng gia đình sơ tán về Hưng Yên. Bà tham gia công tác báo chí từ năm 1949. Tháng 5/1968, bà được Thông tấn xã Việt Nam cử sang Pháp làm phóng viên theo dõi, viết tin, bài về cuộc thương lượng bắt đầu được tiến hành giữa chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Mỹ tại Paris, thủ đô nước Pháp. Lúc này bà Duyên giữ chức vụ Trưởng phòng biên tập tin Miền Nam và Đấu tranh cho thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam.
Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện còn đang lưu giữ thẻ nhà báo của bà Dương Thị Duyên, Trưởng phòng biên tập tin Miền Nam và Đấu tranh cho thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam. Thẻ sử dụng trong thời gian công tác tại Pháp từ 1968-1970 (thời gian diễn ra Hội nghị Pari), do Bộ ngoại giao của nước Cộng hòa Pháp cấp ngày 10/5/1968 cho các phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí trên đất Pháp. Số thẻ 00270, mặt sau có dán ảnh. Thẻ có kích thước 12 x 8cm và được ép plastic.
Với trí tuệ, bản lĩnh của một chiến sỹ thông tin, bà Dương Thị Duyên đã góp phần vào thành công của Hội nghị Paris trên cả hai lĩnh vực đối ngoại nhà nước và đối ngoại nhân dân. Sau những đóng góp quan trọng cho Hội nghị Paris, năm 1970, bà về nước, phụ trách bộ phận biên tập tin Thế giới. Năm 1976, bà chuyển công tác, làm trưởng ban Quốc tế Hội LHPNVN đến năm 1991, bà nghỉ hưu.
Một số hình ảnh về quá trình đấu tranh của bà Dương Thị Duyên tại Paris, giai đoạn 1969 – 1970.