Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển tích ứng với sự thay đổi của xã hội.  Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn…; là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Hiện nay, tín ngưỡng này vẫn đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trong cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Trưng bày Tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo đạo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt. Trưng bày gồm bốn chủ đề: Mẫu – Tâm – Đẹp – Vui tương ứng với bốn màu đặc trưng của Tứ phủ: màu đỏ (Thiên Phủ – miền trời), màu trắng (Thoải Phủ – miền Nước), màu vàng (Địa Phủ – miền Đất) và màu xanh (Nhạc Phủ – miền rừng).

Mẫu

“Mẫu là Mẹ tinh thần, là người che chở cho mình trong cuộc sống. Mình mong muốn làm được điều gì lại đến cầu xin Mẫu để công việc thuận lợi.”

Nguyễn Thị Lan Anh

Mẫu là ai?

Dân gian tin rằng Mẫu là vị thần tối cao được hóa thân thành Tứ vị Thánh Mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn để cai quản bốn vùng trời đất. Mẫu được thờ ở nhiều nơi từ đền cao phủ lớn đến điện tư gia kết hợp với các vị Thánh ở mỗi vùng miền khác nhau. Những người theo Mẫu tâm niệm Mẫu là Mẹ của mọi người, Mẫu luôn che chở, phù hộ cho con người gặp nhiều thuận lợi để vượt qua thiên tai, vận hạn, bệnh tật… đem đến cho họ cuộc sống bình yên, sung túc.

Ban thờ Mẫu

Mẫu ngự trên ban thờ, nơi người dân đến dâng lễ, xin lộc. Ban thờ luôn được giữ sạch sẽ, tôn nghiêm. Chiếu hầu trước ban thờ là nơi ông, bà đồng tổ chức các vấn hầu – nghi lễ chính của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trước buổi lễ, ban thờ được trang trí rất đẹp với nhiều mâm lễ, đồ mã và hoa.

Hình ảnh Ban thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Tâm

“Tùy theo khả năng của mỗi người, con giàu một bó, con khó một bén, những người có điều kiện thì sắm sửa lễ nghi tươm tất hơn. Nhưng ở quê, những người nghèo, tâm người ta có thế nào thì người ta sắm thế đấy”.

Mai Thúy Vịnh

Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, tâm phải trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.Với niềm tin Mẫu luôn che chở và mang đến cho mọi người sức khỏe, tài lộc, may mắn…, những người theo Mẫu thể hiện tấm lòng thành kính khi dâng lễ vật lên Mẫu. Người làm dịch vụ cũng thể hiện cái tâm bằng sự nghiêm túc và luôn coi trong chữ tín.

Đẹp

 “Tôi thấy hầu đồng rất đẹp, đẹp ở phong thái tôn nghiêm, đúng phép Thánh. Trình diễn các giá chính là nghệ thuật diễn xướng lại sự tích của các Ngài, chứ không phải là một cái gì mờ ảo, hoang tưởng cả”.

Nguyễn Thị Thúy

Nghi lễ hầu đồng

Hầu đồng là nghi lễ chính mang tính nghệ thuật sân khấu trong tin ngưỡng thờ Mẫu. Những người lên đồng (hay còn gọi là thanh đồng) hóa thân thành các vị Thánh thể hiện sắc diện và động tác đặc trưng trong không gian văn hóa thiêng của buổi lễ. Người tham dự trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của các vị Thánh, ngắm nhìn những bộ trang phục lộng lẫy, nghe hát văn về sự tích, công trạng của các vị anh hùng dân tộc trong không gian nghi lễ với nhiều sắc màu rực rỡ.

Giá chầu Cô bé Thượng Ngàn

Thanh đồng hóa thân thành Ông hoàng mười

Nghệ thuật trình diễn

Khi nhập đồng, âm nhạc, sự cổ vũ của người dự và không khí buổi lễ gây cảm hứng cho người hầu khiến động tác của họ lúc uyển chuyển, lúc oai phong phù hợp với từng vị Thánh. Nghệ thuật trang điểm tinh tế, sự khéo léo, phối hợp ăn ý của hầu dâng chuẩn bị, thay đổi khăn áo cho các ông, bà đồng cũng góp phần quan trọng vào sự thành công của buổi lễ.

Trang phục

Trang phục là dấu hiệu quan trọng để nhận biết các giá đồng ứng với từng vị Thánh. Một giá đồng có trang phục đẹp sẽ giúp người hầu đồng thêm thăng hoa, trình diễn đẹp hơn và khiến người tham dự thêm hưng phấn.

Các bộ trang phục hầu đồng được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Vui

 “Thường xuyên đi dự hầu đồng, tôi thấy thoải mái về tinh thần, lòng thanh thản không thấy mệt mỏi mà còn khỏe ra. Mỗi lần đi về tôi thấy vui lắm, tâm hồn rất mát mẻ, hứng khởi không tả được”.

Nguyễn Thị Thoa

Sự tương tác giữa người hầu đồng, cung văn và người dự trong không gian buổi lễ khiến con người thăng hoa, quên đi phiền muộn trong cuộc sống hàng ngày. Niềm vui được nhân lên khi được nhận lộc Thánh, vì họ tin rằng một miếng lộc Thánh bằng một gánh lộc trần.

Âm nhạc

Hát văn là lễ nhạc hát chầu Thánh, có vai trò quan trọng trong lễ hầu đồng. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọc các vị Thánh về. Hát văn làm cho không khí buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu thường kéo dài từ 4-8 tiếng.

 

Bộ nhạc cụ trong hát văn

Lộc

Đối với những người đi lễ, lộc được hiểu theo nhiều cách khác nhau: là sức khỏe, tiền tài, làm ăn phát đạt, sự thịnh vượng… do Thánh ban. Lễ vật dâng lên Thánh, được Thánh chứng và ban phát cho những người đi lễ cũng gọi là lộc. Người nhận được lộc tin rằng họ sẽ gặp may mắn trong cuộc sống. Vì vậy ai cũng cố gắng được càng nhiều lộc càng tốt.

 

Phát lộc trong giá Quan đệ ngũ Tuần Tranh