Trái tim nồng cháy của cựu quân nhân thầm lặng
“Khi cầm bút, khi cầm súng, khi trầy vai trong lao động, mỗi bước đi của chúng ta đều nghe gió rừng nhắn nhủ làm gì đây cho Trường Sơn gánh hai đầu của đất nước vẫn ngẩng cao một góc trời không nô lệ. Đêm, khi nằm ngủ, nghe sóng biển vỗ thì thầm âu yếm bảo chúng ta “cứu nước”, “cứu nước”.
Đó là những dòng thư ông Nguyễn Công Tú viết gửi từ chiến trường phía Nam cho các đồng chí học viên C526 của trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây năm 1967, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Đến nay, chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, tuy khói thuốc súng đã tan, sự chia ly vì bom đạn đã ngừng, nhưng những kỷ niệm vẫn còn tồn tại mãi. Kỷ niệm về một thời mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là rất mong manh, nên mỗi ngày sống, mỗi lá thư là khoảnh khắc những người lính trao trọn vào đó tâm tư, tình cảm của mình. Năm tháng trôi đi làm ố vàng, thậm chí làm tan biến những lá thư quý giá chứa đựng ký ức của thế hệ anh hùng, một thế hệ đang dần biến mất. Rồi một ngày nào đó, thế hệ ấy sẽ chỉ còn lại là những dấu ấn, những hào quang, những câu chuyện được nhắc đến mà không còn thấy được nữa.
Nhân kỷ niệm 27/7 này, chúng ta – những người con Việt Nam cùng nhau gửi lời tri ân tới tất cả những người đã hiến dâng, hy sinh hết mình để đổi lại độc lập, bình yên cho Tổ quốc. Đó có thể là những người cụ, người ông, người bà, người cha, người mẹ, anh chị em, bạn bè,… Chúng ta hãy cùng nhau giở lại những kỷ vật, ôn lại những khoảnh khắc xưa của những tháng năm máu lửa. Ông Nguyễn Công Tú, một cựu quân nhân đã từng tham chiến ở chiến trường miền Nam cũng là một trong số thế hệ anh hùng mang trái tim nồng cháy, chan chứa tình yêu quê hương đất nước vô bờ và cả tình yêu đôi lứa trong sáng, thuỷ chung giữa thời buổi gian khó. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện đang lưu giữ 195 bức thư của ông, bao gồm những lá thư do chính tay ông viết và của cả bạn bè, đồng chí, người thân gửi cho ông. Trong đó có hai lá thư, một gửi cho các đồng chí và một gửi cho người yêu, hiện là vợ ông – bà Nguyễn Thị Mận có thể coi là sự thể hiện rõ nhất cho trái tim đầy nhiệt huyết của một cựu quân nhân thời đó.
Những ai đã từng được tiếp xúc với ông Nguyễn Công Tú ở xã Vũ Yển, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đều thấy ông có dáng người nhỏ nhắn hiền hoà, tính tình trầm ổn, ít nói. Nhưng ít ai biết rằng ông đã từng là một người lính dũng cảm, kiên cường kinh qua 372 trận đánh; và cũng ít ai biết đến câu chuyện tình yêu trong sáng, thuỷ chung giữa ông và bà Nguyễn Thị Mận.
Ông Nguyễn Công Tú sinh ngày 14/4/1925 tại xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1950, ông nhập ngũ và đến năm 1957 tập kết ra Bắc làm Trung đội phó C602, D30, E96, F305; Trung đội trưởng C10, D3, E96, F305 quân khu II (tỉnh Phú Thọ). Từ năm 1958 đến 1961 ông là học viên trường Sĩ quan Lục quân khoa hoá ở Sơn Tây. Năm 1961 sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển vào làm giáo viên quân sự khoa hoá trong trường. Năm 1967 – 1969, ông được điều động vào miền Nam và chiến đấu ở các chiến trường ác liệt như: Trị Thiên, Huế, Khe Sanh và A Sầu,… Ông làm Đại đội trưởng C1, D320; tham mưu trưởng; Tiểu đoàn phó D320, E4 công binh đoàn 559; Tiểu đoàn phó đội 50 đơn vị 967 đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Năm 1970, ông Tú bị thương trong trận đánh ở Khe Sanh nên được chuyển ra Bắc chữa trị và được đơn vị giải quyết chế độ nghỉ hưu. Trong quá trình tham gia Cách mạng, ông được nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công và 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.
Tình yêu nước, lòng kiên trung với lý tưởng Cách mạng của ông Nguyễn Công Tú được thể hiện rõ nhất qua bức thư gửi các đồng chí học viện C526 cũ của trường Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây ngày 20/1/1967.
Ảnh chụp một phần bức thư ông Nguyễn Công Tú gửi các học viên C526 của trường Sĩ quan Lục quân
Bức thư có 8 trang được ông viết lúc đang giờ nghỉ giải lao trước khi lên đường hành quân trong chiến trường miền Nam. Ngoài những lời thăm hỏi các đồng chí, trái tim yêu nước tha thiết đã được ông thể hiện qua những câu chữ mang lý tưởng Cách mạng, niềm tin sâu sắc về sức mạnh đoàn kết dân tộc, niềm đau đáu khôn nguôi khi non sông bị chia cắt và khát khao hoà bình thống nhất cùng tinh thần chiến đấu sục sôi: “Khi cần thiết Tổ quốc gọi, ta vẫn sẵn sàng gác bút mà cầm súng. Cũng vì lẽ đó mà cây bút của các đồng chí và cây súng của chúng tôi cũng là một chiến hào chống Mỹ.”;
“…thời gian không thể làm phai màu tình cảm của chúng ta, tình cảm chiến đấu, không gian không phải là điều cách biệt giữa những con người biết suy nghĩ, biết hành động cho yêu thương và lẽ phải, cho độc lập và tự do.”;
“Vậy xin nâng cốc chúc các bạn ly rượu tình… chiến thắng! Sao cho hơi men tri kỷ vẫn nồng đượm trong những con tim “chiến đấu hạnh phúc” để cho dải đất nước khỏi phận tương tư chia cắt! Cho phù sa sông Hồng và dòng nước Cửu Long ôm hôn nhau giữa biển Đông rực ánh mặt trời, cho Việt Bắc – Tây Nguyên tiếng cồng thông vạn dặm.”;
Những dòng chữ này như cuốn chúng ta đi theo bước hành quân của một người lính bình thường nhưng ý chí lớn lao, một người con Việt Nam khát khao cho đất mẹ lặng im tiếng súng.
Ông Tú viết thư này khi ông đã có vợ con ở nhà. Ông và bà Nguyễn Thị Mận – vợ ông, cũng thường xuyên trao đổi thư từ cho nhau. Tình nghĩa vợ chồng son sắt, thuỷ chung của hai ông bà đến nay đã hơn 60 năm kể từ khi cưới vẫn không hề thay đổi.
Hai ông bà có một mối tình giản dị nhưng lại rất đẹp, một mối tình trong sáng giữa một quân nhân và cô thôn nữ trong thời kỳ gian khó.
Lá thư ông Nguyễn Công Tú gửi cho bà Nguyễn Thị Mận ngày 19/5/1958 khi ông đang học ở trường Sĩ quan Lục quân
Đã hơn 60 năm, bức thư đã ố vàng trước sự khắc nghiệt của thời gian, nhưng tình cảm say đắm của người trai đất Quảng dành cho cô gái mảnh đất Hùng Vương vẫn còn nguyên vẹn. Những từ ngữ nhớ thương, bày tỏ tình cảm chỉ dừng lại ở những câu đơn giản như: “…viết thư cho anh với, anh trông lắm đấy”, “anh thành thật đem lòng yêu thương nói với em như thế, nếu em vui lòng và cần anh sẽ giúp đỡ trong điều kiện có thể”. Nội dung chính là ông hỏi thăm bà và gia đình, kể cho bà về tình hình học tập của ông, dù khó khăn nhưng đời người lính vẫn có cái vui. Tấm lòng quan tâm và trái tim thương yêu của ông có thể thấy qua những dòng thư như: “Chịu khó, chăm chỉ, anh thấy trong người Mận như một sự nhẫn nại khi sự việc công kích đầu mình đó là chịu khó, và chăm chỉ là Mận bảo đảm được một số công tác sinh hoạt của gia đình. Thông thường trong bản lĩnh người con gái nào có 2 cái ưu điểm anh nói trên người ấy sẽ được nhiều nguồn hạnh phúc,…”; “Mận à, em nên tận dụng đức tính chăm chỉ chịu khó ấy mà cố gắng học thêm. Tuổi em còn trẻ, không nên hoài phí thời giờ của tuổi trẻ, một ngày qua là một ngày mất, …”; “Em Mận à, trên đời chẳng có gì là dễ và cũng chẳng có gì là khó, khó hay dễ là do sự quyết tâm của mình mà thôi, miễn ta không nên chán nản,…”.
Với sự quan tâm dịu dàng và lịch thiệp của ông Nguyễn Công Tú, bà Nguyễn Thị Mận đã chấp nhận tình yêu của ông. Hai ông bà cưới nhau năm 1959, sinh được 4 người con. Hiện nay, ở thị xã Vũ Yển bình yên của mảnh đất các vua Hùng, hai ông bà vẫn bên nhau như hình với bóng, cùng chăm sóc nhau và nhìn con cháu trưởng thành. Đối với một đời người mà nói, hạnh phúc có lẽ chỉ đơn giản như vậy mà thôi.
Ông Nguyễn Công Tú đã gần trăm tuổi, sức đã yếu nhưng ngọn lửa nóng bỏng của trái tim yêu quê hương, Tổ quốc thiết tha cũng như yêu thương người vợ kết tóc vẫn luôn bùng cháy. Ông cũng như nhiều cựu quân nhân của thế kỷ trước giống như giếng sâu đầy ắp ký ức, ký ức về một thời oanh liệt trên chiến trường gian khó, ký ức về hào quang sáng chói của thế hệ anh hùng đã mang lại hoà bình thống nhất, ký ức về tình yêu thời tuổi trẻ giản dị và trong sáng. Một mai trên dải đất hình chữ S này, thế hệ xưa cũ ấy sẽ biến mất, chỉ còn lại dấu ấn qua những ghi chép, những kỷ vật, qua những lời kể của hậu thế. Chúng ta, những người con Việt Nam cần phải tự hào về cha ông của mình, cần thường xuyên trau dồi kiến thức, tiếp nối tình yêu quê hương nồng cháy cùng ý chí sẵn sàng lăn xả vì đất nước.