Trở lại điểm “nóng” năm ấy

Cách đây ba năm, bệnh viện Quân y 175 là một trong những điểm nóng giữa tâm điểm của đại dịch Covid-19 với sự ra đời “Trung tâm Covid” ngay trong viện. Gặp lại những thiên thần áo trắng năm ấy, ký ức trong họ về những năm tháng “không thể nào quên” dường như vẫn còn vẹn nguyên.

Toàn cảnh bệnh viện Quân y 175

Trên chặng đường dài đầy cam go, thử thách khi dịch Covid-19 bùng phát tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, bệnh viện Quân y 175 đã hỗ trợ, đồng hành cùng thành phố ngay từ rất sớm, đồng thời phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch. Trong tình thế nguy nan nhất, tập thể lãnh đạo, cán bộ, y bác sĩ, nhân viên bệnh viện luôn đồng sức, đồng lòng, có nhiều sáng kiến trong phát hiện, sàng lọc, cứu chữa bệnh nhân. Điểm nhấn trong điều trị Covid-19 của bệnh viện là triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nổi bật là kỹ thuật “ECMO tách đôi” chưa từng có tiền lệ. Điều đó đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch, cận kề tử vong. Bệnh viện cũng triển khai ECMO ngay tại cơ sở y tế khác để kịp thời cấp cứu bệnh nhân, sau đó chuyển về bệnh viện điều trị tiếp (ECMO mobile). Ngoài ra, còn có nhiều sáng kiến như chia tách đường dẫn khí, lọc máu luân phiên… Được gặp gỡ, trực tiếp trò chuyện với các y bác sĩ mới thấy hết những khó khăn, vất vả, cả những thử thách, cam go và ý chí quyết tâm, tinh thần “tất cả để chống dịch” của họ.

Những câu chuyện của các bác sĩ nhân viên khoa Vi sinh vật làm chúng tôi vô cùng xúc động. Họ kể về cái Tết đặc biệt không đoàn tụ bên gia đình mà cùng nhau đón Tết trong bệnh viện; họ nói về nỗi thương nhớ đứa con gái bé bỏng mới được 8 tháng tuổi đã phải cai sữa mẹ; cái cảm giác sung sướng được hít hà, để cho luồng không khí thẩm thấu qua làn da khi từ bệnh viện trở về nhà sau thời gian cách ly… Những giọt nước mắt không ngừng rơi, những đôi mắt đỏ hoe, cuộc phỏng vấn phải cách quãng thành nhiều lần bởi những tiếng nấc nghẹn. Thế rồi cảm xúc ổn định dần, những đôi mắt lại long lanh khi họ nhìn vào tấm Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và rạng rỡ “khoe” với mọi người.

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 6/2024, chị Nguyễn Thị Tươi - kỹ thuật viên xét nghiệm Khoa Vi vật sinh xúc động nhớ về ký ức thời kỳ Covid-19

Các bác sĩ, nhân viên Khoa Vi sinh vật tự hào giới thiệu tấm Bằng khen được Thủ tướng Chính phủ tặng vì những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19

Hai ngày làm việc tại bệnh viện Quân y 175, một điều mà chúng tôi nhận thấy  đó là những câu chuyện của tập thể lãnh đạo, nhân viên, các y bác sĩ nhắc đến luôn thể hiện niềm tự hào trong đó. Họ tự hào vì ở mỗi vị trí việc làm của mình dù lớn, dù nhỏ cũng góp phần vào sự lớn mạnh của bệnh viện ngày hôm nay. Là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có sân đáp trực thăng, đây sẽ trở thành trung tâm cấp cứu đa năng với các loại hình đường sông, đường bộ, đường thủy, đường hàng không đáp ứng khả năng cấp cứu trong mọi tình huống, đặc biệt là y tế biển đảo.

Sân đáp trực thăng trong những tình huống cấp cứu bệnh nhân từ đảo Trường Sa về Bệnh viện, tháng 6/2024

Trao đổi công việc giữa lãnh đạo, y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 và Đoàn cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tháng 6/2024

Kết thúc hai ngày làm việc, ngoài những câu chuyện về sự hy sinh, đóng góp của bệnh viện trong thời kỳ đại dịch Covid-19, đoàn công tác còn được nghe những chia sẻ của các y bác sĩ tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế tại Nam Sudan và lĩnh vực y tế biển đảo. Mỗi thành viên trong đoàn đều có rất nhiều cảm xúc đọng lại. Chúng tôi nghĩ rằng, kết quả lần này chắc chắn không chỉ dừng lại ở con số gần 1000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu mà chúng tôi sưu tầm được, nó còn cho chúng tôi hiểu biết hơn, cảm phục, tự hào hơn về những người bác sĩ quân y. Đặc biệt hơn nữa, chuyến công tác còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác lâu dài, bền chặt giữa hai cơ quan, đơn vị.