Ánh lửa nhỏ góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc

Chùm tin chào mừng Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021)

Điều kiện chiến tranh khắc nghiệt khiến cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn nhưng bằng trí thông minh và khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, trong cái khó ló cái khôn, chiến sỹ, bộ đội và ngay cả người dân đã sử dụng từ phế liệu tưởng như bỏ đi: Lọ thuốc tây, lọ nước hoa, vỏ đạn, vỏ bom bi… để làm nên những chiếc đèn tự tạo. Đèn thường được dùng làm quà tặng cho đồng đội, người yêu, để sử dụng khi đi công tác, dùng dưới hầm bí mật, hay sử dụng làm ám hiệu… Một số chiếc đèn còn xuất hiện trong những hoàn cảnh đặc biệt mang tính lịch sử của cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, như chiếc đèn dầu của bà Huỳnh Thị Sáu hay thường biết đến với cái tên giản dị má Sáu Ngẫu.

Đèn dầu của bà Huỳnh Thị Sáu (tự Ngẫu) xã Thuận Giao, Thuận An, Sông Bé dùng thắp sáng để chỉ bản đồ cho đoàn xe tăng Triệu Hải (Trung đoàn 27, Sư đoàn 5, Đoàn 390 quân đoàn I) tiến vào giải phóng Lái Thiêu và Sài Gòn 30/4/1975. Hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chiếc đèn của má Sáu được làm bằng sắt tây, cao 20cm, đường kính đáy 7cm, đường kính thân chỗ lớn nhất là 7cm, chỗ nhỏ nhất là 5cm với kỹ thuật chế tác thủ công. Đêm ngày 29/4/1975, ánh sáng từ chiếc đèn dầu trong căn nhà của má như làm tín hiệu cho quân Giải phóng giữa vùng Lái Thiêu biết đây là một căn cứ Cách Mạng. Trải rộng bản đồ dưới ánh đèn dầu, má Sáu chỉ đường cho ban chỉ huy Trung đoàn xe tăng Triệu Hải (Trung đoàn 27, sư đoàn 390, quân đoàn 1) từng trục đường, từng vị trí đóng quân của địch, vị trí có dây kẽm gai, chướng ngại vật…trên tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn mà má cất giữ bao nhiêu năm để chờ ngày quân giải phóng đến trao tay. Nhờ có sự chỉ dẫn tận tình của má Sáu, nên quân ta nắm rõ tình hình địch và nhanh chóng thọc sâu vào cầu Vĩnh Bình, kêu gọi lính tại Trung tâm huấn luyện ở Huỳnh Văn Lương đầu hàng, nhanh chóng đánh chiếm các cây cầu có vị trí chiến lược quan trọng như Lái Thiêu, Bình Phước, Vĩnh Bình…; đánh vào các mục tiêu trọng yếu của địch… Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, ghi dấu chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Tranh ký hoạ “Bà Sáu Ngẫu” do hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông sáng tác năm 1965. Tranh nằm trong tập III của bộ tranh ký hoạ “Miền Nam Việt Nam đất nước, con người” do nhà xuất bản Giải Phóng in và phát hành năm 1967.