Bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo

Các trại giam ở Côn Đảo được ví như những “địa ngục trần gian”. Đây là hệ thống nhà tù do thực dân Pháp bí mật xây dựng để giam giữ và tra tấn những người tù chính trị trong thời kỳ kháng chiến. Cuộc sống khổ cực trong lao tù đã là cực hình với nam giới, với nữ giới điều đó còn khủng khiếp hơn. Thế nhưng, những nữ chiến sỹ cách mạng Việt Nam, họ đã luôn kiên cường chiến đấu vượt qua mọi đòn roi của kẻ thù để giữ vững tinh thần và ý chí cách mạng.

Chân dung bà Lê Thị Tâm chụp năm 1978

Bà Lê Thị Tâm sinh năm 1931 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1945 quân Nhật vào Phú Yên, bà tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng để kháng Nhật. Năm 1949 bà vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1954 bà vào Sài Gòn cùng các đồng chí miền Trung thành lập đội biệt động để đấu tranh chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ. Cuộc chiến đấu bị đàn áp dã man. Tháng 8/1966 trong lúc tổ chức công nhân bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm bà bị địch bắt và và sau đó bị đưa đi giam giữ tại nhiều nơi như Nha cảnh sát, Khám Chí Hòa, nhà lao Thủ Đức… Trong tù, bà Lê Thị Tâm bị tra tấn dã man. Chúng lột quần áo bà rồi dùng vũ khí đánh thẳng vào ngực, dùng bóng điện dọi thẳng vào mắt bà…. Dù bao đau đớn nhưng bà nhất quyết không khai bất cứ điều gì. Mỗi lần bị chuyển từ nhà lao này sang nhà tù khác, bà Tám và các bạn tù đều phản đối và nhất quyết không chịu đi. Bọn chúng phải dùng cách khiêng và kéo các bà, từ đó có phong trào “đi bằng lưng” do các nữ tù phát động.

Bà Lê Thị Tâm chụp cùng con gái

Không khai thác được thông tin gì, đến tháng 9/1969 chúng buộc phải trả tự do cho bà. Ra tù, bà tiếp tục bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Đến tháng 2/1970 bà Lê Thị Tâm bị bắt lần 2 và bị đày ra Côn Đảo. Cuộc sống trong tù rất khổ cực, cơm không có ăn, những lần đấu tranh là bị bỏ đói. Mỗi bữa cơm chúng chỉ cho ăn một ít cơm cùng với kho cá mục thối không thể ăn được. Tại đây, bà dùng chiếc đài do cán bộ của ta ở ngoài gửi vào để nghe tin tức, thông tin rồi sau đó tuyên truyền lại cho các bạn tù nghe để biết thông tin. Có những thông tin quan trọng chưa thể truyền đến các bạn tù, bà lại viết ra một mẩu giấy nhỏ rồi nhét qua các lỗ nhỏ đục ở các tường phòng giam để truyền tay nhau đọc. Nhờ chiếc đài này mà tin tức được bà phổ biến đến với các bạn tù.

Sau giải phóng năm 1975, bà được trả tự do. Câu chuyện về bà cùng chiếc đài sử dụng trong thời gian hoạt động cách mạng trong tù được bà tặng lại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với mong muốn tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tấm gương chiến đấu kiên trung, bất khuất, vượt qua vô vàn khó khăn, nguy hiểm không chịu khuất phục trước kẻ thù của những nữ chiến sỹ năm xưa.