Chương trình #Wikigap: Chung tay cải thiện bình đẳng giới trên Internet tại Việt Nam

Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Đại sứ quán Thụy Điển, UNDP, UN Women, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp… kết nối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn  #Wikigap. Đây là một phần của chiến dịch toàn cầu, do Bộ Ngoại giao Thụy Điển và Wikimedia khởi xướng, quy tụ nhiều phóng viên báo chí, các bạn sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng như cá nhân, tổ chức mong muốn viết và cập nhật nội dung về vấn đề Bình đẳng giới trên trang Wikipedia.

Wikipedia là bách khoa toàn thư trực tuyến lớn nhất thế giới do chính người sử dụng Internet tạo ra và đăng tải thông tin. Tuy nhiên, sự mất cân bằng giữa nam giới và nữ giới trên trang web này rất rõ ràng, khi  90% các tác giả đang viết bài, cập nhật nội dung trên Wikipedia là nam giới. Các bài viết về nam giới cao hơn bài viết về nữ giới bốn lần. Các con số này có thể khác nhau tuỳ theo khu vực địa lý, nhưng thông tin về phụ nữ ít hơn nhiều so với nam giới dù sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào.

Sáng kiến #Wikigap cung cấp nền tảng cho những tình nguyện viên để họ viết bài với nội dung có tính đại diện phụ nữ và thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trên Wikipedia. Trong ngày hôm nay (19/10), các cá nhân tham gia chương trình được tập huấn viết và tạo thêm nội dung, các bài viết mới trên Wikipedia nhằm cung cấp và bổ sung thông tin về tiểu sử phụ nữ, và những chuyên gia là tấm gương truyền cảm hứng trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Sự kiện còn mong muốn kêu gọi phụ nữ ở mọi lứa tuổi, đa dạng ngành nghề mạnh dạn và tự tin tham gia đóng góp thông tin vì một môi trường Internet bình đẳng đúng nghĩa.

Phóng viên báo chí, truyền thông và sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền tham gia tập huấn sáng kiến Wikigap tại Việt Nam

Phát biểu tại buổi Khai mạc, Đại sứ Thụy Điển Peredic Hogberg chia sẻ: “Khi phụ nữ không được ghi nhận xứng đáng, chúng ta mất đi tiềm năng của một nửa dân số. Đó không chỉ là lãng phí nguồn lực mà còn là sự lựa chọn tồi. Wikipedia là một hình thức viết sử hiện đại. Nâng cao tính đại diện của phụ nữ, chúng ta sẽ tiếp cận với những thông tin để có thể học tập, tiến bộ và phát triển.”

Trong bài biểu với chủ đề “Chương trình nghị sự 2030 – Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp Quốc về bình đẳng giới”, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Sự kiện #Wikigap Vietnam diễn ra ở một thời điểm quan trọng, ngay sau ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo và trước ngày Phụ nữ Việt Nam. Trong thời kỳ chuyển đổi cách mạng 4.0 hiện nay, để không tạo thêm những hình thức nghèo đói mới khiến phụ nữ bị bỏ lại phía sau, cần tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận với công nghệ số, và tận dụng được công nghệ một cách bình đẳng – từ Internet với Internet vạn vật –  với tư cách là lãnh đạo hoặc tác nhân thay đổi.

Đại sứ Thụy Điển – ông Peredic Hogberg và Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam – bà Caitlin Wiesen phát biểu tại buổi khai mạc

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam rất vinh dự khi một lần nữa trở thành đối tác của Đại sứ quán Thụy Điển trong việc tổ chức các chương trình, sự kiện liên quan tới vấn đề giới và bình đẳng giới. Chúng tôi tin rằng sáng kiến #Wikigap tại Việt Nam sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy các hành động giúp giảm bất bình đẳng và khuôn mẫu giới trên các phương tiện số hóa nói riêng và trong xã hội nói chung. Đây cũng sẽ là hướng tiếp cận của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới, với mong muốn hợp tác, tạo ra các sự kiện và triển lãm gắn kết phụ nữ, trẻ em gái với công nghệ và Internet, vì sự phát triển chung của xã hội trong thời đại kỉ nguyên số.