Đoá hoa dũng cảm trên cung đường vận chuyển

“….Em là cô bộ đội lái xe,

Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy.

Cái buồng lái là buồng con gái,

Vãn cành hoa mềm mại cài ngang.

Em đã qua và em đã sang,

Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ.

Đất nước mình nhiều điều giản dị,

Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi.”

Đây là trích đoạn trong bài thơ “Gửi em cô bộ đội lái xe” của nhà thơ Phạm Tiến Duật viết năm 1968 tặng những cô gái lái xe Trường Sơn để tri ân những cống hiến của họ. Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Ngày Truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2021), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xin được giới thiệu tới quý vị và các bạn câu chuyện về bà Bùi Thị Vân (sinh năm 1948), một nữ thanh niên xung phong lái xe Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Chân dung bà Bùi Thị Vân chụp năm 2009

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mỹ – Nguỵ phải chịu tổn thất nặng nề khiến chúng điên cuồng huy động máy bay ngày đêm đánh phá các tuyến giao thông hòng chặn công tác tổ chức vận tải của ta, đặc biệt là đường 12 – trục vượt khẩu chủ yếu lên Tây Trường Sơn. Đảng uỷ Bộ tư lệnh Đoàn 559 đã thành lập một đơn vị nữ lái xe để hỗ trợ cho kho trạm thay cho lái xe nam ra trận. Để chia sẻ nỗi vất vả, khó khăn với bộ đội, Bà Bùi Thị Vân đã hăng hái xung phong tình nguyện cùng các chị em từ khắp các binh trạm khác nhau của đoàn 559 tạo nên một đội nữ lái xe gồm 40 chị em độ tuổi khoảng 18 – 20 với xe tải hạng nặng (40 đầu xe Hồng Hà nhãn hiệu Trung Quốc và Zin 130 nhãn hiệu Liên Xô) là phương thức vận tải chính. Bà và các chị em được đào tạo lái xe trong 45 ngày đêm và được cấp bằng lái.

Bằng lái xe của bà Bùi Thị Vân

Nhiệm vụ của trung đội là giao hàng hoá, lương thực và thực phẩm đến các binh trạm dọc đường Trường Sơn – Quảng Bình; khi cần thiết phải vượt cửa khẩu giao hàng cho phía trong, chở thương binh và cán bộ từ Nam ra Bắc để chữa bệnh, học tập. Phải nói rằng đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với các chị em bởi nhiệm vụ này với những nam giới còn đầy rẫy những khó khăn vât vả. Mỗi chuyến đi đều nằm trong lằn ranh sinh tử nhưng đơn vị nữ lái xe vẫn kiên cường dũng cảm vượt cung tăng chuyến đều đặn vào ra, không để lỡ ngày giờ của kế hoạch vận chuyển và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bà Bùi Thị Vân chia sẻ rằng hằng ngày địch không ngừng rải bom B52, bom rải thảm và bom toạ độ dọc Trường Sơn khiến các chị em buộc phải lái xe vào ban đêm để tránh tổn thất. Đề phòng đối phương phát hiện, những chiếc xe tải nguỵ trang cây lá, chạy trong bóng đêm dày đặc mà không được rọi đèn. Mỗi chiếc xe chỉ được gắn một chiếc đèn nhỏ tù mù phía trước gầm xe. Những chiếc đèn gầm, đèn rùa được bọc lại bằng giẻ để có thể chiếu được vài ba mét. “Tôi vừa điều khiển xe vừa phải dò đường tránh bom, né đạn, tránh vực, vượt ngầm… bằng cảm tính. Bom thả phía sau thì xe tôi chạy về phía trước, thả phía trước thì rẽ sang đường khác, cứ thế thoắt ẩn thoắt hiện giữa núi rừng”, bà Vân cho biết.

Bộ dụng cụ sửa chữa xe của bà Bùi Thị Vân

Trên đây là bộ dụng cụ sửa chữa xe đơn vị phát cho bà Bùi Thị Vân, hiện đang được trưng bày ở chủ đề Phụ nữ trong lịch sử, thuộc hệ thống trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bộ dụng cụ là hành trang không thể thiếu đã gắn bó với bà suốt những năm tháng ác liệt ở chiến trường với những kỷ niệm không thể nào quên. Đường Trường Sơn không bằng phẳng thông thoáng mà rất xấu. Xe đa số là cũ nên cứ chạy vài ba ngày là nhíp bị gãy, lốp bị nứt vì cán phải các mảnh bom, pháo. Khó khăn chồng chất là vậy nhưng bà Vân không hề chán nản, ngược lại còn bộc lộ nét đáng yêu, hồn nhiên của tuổi trẻ. Bà kể rằng: “Nói thật bom đạn không sợ mà lại sợ ma, sợ khoảng rừng trống, vừa sửa xe vừa khóc nức nở vì xe bị kẹt giữa rừng thăm thẳm, chỉ có tiếng gió rít như hồn ma”.

Bà Bùi Thị Vân chụp ảnh nhân dịp kỷ niệm 39 năm thành lập Trung đội nữ lái xe 1968 – 2007 (Bà Vân đứng thứ 3 từ bên phải sang)

Rất may mắn, 40 chị em đội nữ lái xe ngày ấy không có ai hy sinh. Cuối năm 1975, nhiệm vụ hoàn thành, các chị người về đơn vị, người chuyển ngành, người về địa phương đồng ruộng. Bà Bùi Thị Vân đã xuất ngũ về địa phương, xây dựng gia đình và có cuộc sống riêng. Bà xin đơn vị bộ dụng cụ sửa xe trên để làm kỷ niệm, sau này tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Những khoảnh khắc hay kỷ niệm trong những chuyến xe đã trở thành tiềm thức của bà cũng như những người trong trung đội nữ lái xe năm xưa, trở thành niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.