Giao lưu với dịch giả Nguyễn Bích Lan và giới thiệu tiểu thuyết “Phật ở tầng áp mái”

Nhà xuất bản Phụ nữ trân trọng kính mời các bạn tới dự buổi Giới thiệu tiểu thuyết “Phật ở tầng áp mái” và giao lưu với nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan.
Thời gian: 16h – 17h30 Thứ Năm, ngày 6 tháng 3 năm 2014
Địa điểm: Hội trường 203, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Buổi Giao lưu có sự tham gia của dịch giả Nguyễn Bích Lan cùng các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình và đông đảo các bạn độc giả.
Rất mong sự có mặt của các bạn để buổi Giao lưu thành công tốt đẹp.
Nhà xuất bản Phụ nữ xin trân trọng cảm ơn.

Hà Nội, ngày 24 tháng 2 năm 2014
TM. NHÀ XUẤT BẢN PHỤ NỮ
GIÁM ĐỐC

Nguyễn Thị Tuyết

Tác phẩm:
      “Phật ở tầng áp mái” (The Buddha in the Attic) – Một trong những cuốn sách Tổng thống Mỹ Obama đã chọn trong chuyến đi hiệu sách của ông vào cuối tháng 12 năm 2013 (Theo The New York Times).
      Phật ở tầng áp mái là câu chuyện về cuộc sống của những người phụ nữ Nhật di cư sang đất Mĩ vào đầu thế kỉ XX. Các cô gái Nhật với đủ các thành phần từ trí thức đến nông dân, từ những em bé ngây thơ đến phụ nữ quá lứa lỡ thì đều chung một niềm háo hức, ôm giấc mộng sang Mĩ đổi đời. “Giấc mơ Mĩ” đã khiến bao nhiêu thiếu nữ Nhật tràn trề hi vọng vào một sự đổi đời, một cuộc sống hôn nhân viên mãn, để rồi… thất vọng vào ngay giây phút đầu tiên. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình, họ hồi hộp đến với những vị hôn phu trong mộng, vốn được giới thiệu là chủ nhà băng, luật sư, bác sĩ, doanh nhân, quản lí khách sạn nhưng thực ra chỉ là những tá điền, nông dân người Nhật làm thuê cho những ông chủ Mĩ, hoặc là những kẻ vô công rồi nghề. Vừa đặt chân lên đất Mĩ, những người phụ nữ Nhật đã hiểu rằng tất cả chỉ là ảo vọng và khi đó tấn bi kịch của họ mới thực sự bắt đầu.
      Trước mặt là cuộc sống hôn nhân bị bạo hành, sau lưng đã không có con đường trở lại quê mẹ, những người phụ nữ buộc phải lựa chọn cách đối mặt với thực tại nghiệt ngã xứ người và, cũng từ đây, họ dần trở thành những chiếc bóng câm lặng, nhẫn nhục. Giống hệt những người tù khổ sai, họ không có quyền được sống cho bản thân mà họ phải phục tùng mệnh lệnh của chồng, của ông chủ và bị vắt kiệt sức lao động, nhưng đau đớn nhất là họ luôn bị kỳ thị, bị coi thường và không thể hoà nhập với cộng đồng người bản xứ.
      Tiểu thuyết lấy bối cảnh trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khi trào lưu phụ nữ Nhật di cư tìm miền đất hứa đang thịnh hành. Bằng giọng kể khách quan và ngôi kể đặc biệt – “chúng tôi” – tác phẩm đã khắc họa thành công bi kịch “miền đất hứa”- bi kịch không phải chỉ của một cá nhân, mà là của cả một thế hệ, một thời đại. Tuy nhiên, điểm sáng của cuốn tiểu thuyết chính là ở chỗ vượt lên những sự vỡ mộng và khổ đau, vượt lên mọi biến cố dồn dập, những người phụ nữ Nhật đã cho chúng ta thấy tinh thần Nhật, sức sống Nhật, cũng như khát vọng, sự kiên trì, bền bỉ vượt thoát khỏi nghịch cảnh ở người phụ nữ. Bằng bản năng sống, bản năng của người mẹ, họ đã mạnh mẽ, kiên cường học cách tồn tại. Cuốn tiểu thuyết là một bài ca buồn mà đẹp về sức mạnh và tình yêu cuộc sống của người phụ nữ. Tác phẩm cũng đồng thời khơi gợi lòng cảm thông, sự thấu hiểu, sẻ chia. Những bài học và sức cảnh tỉnh sâu sắc của Phật ở tầng áp mái còn nguyên giá trị với thế hệ trẻ Việt Nam thời hội nhập hôm nay.

Các giải thưởng và bình chọn dành cho tác phẩm:
Giải thưởng PEN/Faulker dành cho tiểu thuyết năm 2012
Một trong những Cuốn sách được yêu thích do tờ Philadelphia Iriquier bình chọn năm 2011
Một trong những Cuốn sách hay nhất của năm 2011 do tờ tờ San Francisco Chronicle bình chọn
Một trong mười cuốn sách hay nhất năm 2011 do tờ Library Journal bình chọn.
Một trong những Cuốn sách đáng để lựa chọn nhất năm 2011 do tờ Chicago Tribune giới thiệu

Những lời khen tặng tác phẩm:

Cuốn tiểu thuyết này là một tấm thảm đan dệt niềm hi vọng và những giấc mơ đã đẩy rất nhiều người di cư vượt đại dương đến một đất nước xa lạ. Tác giả đã cho người đọc thấy những thách thức, những sự chịu đựng và cả niềm vui được chăng hay chớ mà những người di cư đã tìm thấy ở miền đất mới… Đây là một trải nghiệm về người Nhật di cư được viết bằng sự tinh tế của thi ca, sự tự do của ngôn ngữ, sự chính xác của ý nghĩa, tựa như một bài thơ Tanka. Cuốn sách này là một tác phẩm độc đáo và hiếm có. (Washington Independent Book Review)

Otsuka đã thật tài tình khi tạo ra một dàn hợp xướng của những giọng người không thể nào quên, những giọng người vang vọng khắp không gian của cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng rất hấp dẫn này, những giọng người kể về một thời mà không người Mỹ nào có thể quên được. (Minneapolis Startribune)
Một tác phẩm giàu chất thơ… Bà đã gợi lại những tiếng nói bị lãng quên của cả một thế hệ phụ nữ Mỹ gốc Nhật mà không làm mất đi trải nghiệm riêng biệt của mỗi cá nhân. Đây thực sự là một kiệt tác. (Chronicle)
Táo bạo và đặc sắc… cô đọng, chân thực, hoàn hảo. (Women’s Review of Books)
Tác giả:

Julie Otsuka là nhà văn Mĩ gốc Nhật Bản. Bà sinh ra và lớn lên ở California. Bà từng tốt nghiệp Đại học Yale. Bà là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Khi Hoàng đế là Thần thánh (When the Emperor was Divine) – tác phẩm được trao giải thưởng Văn học Châu Á ở Mĩ, giải thưởng Văn học Alex của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ và giải thưởng của quỹ học bổng Guggenheim.
Hiện Julie Otsuka đang sống ở New York.

Dịch giả:

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976. Cô là dịch giả và tác giả của 27 cuốn sách, trong đó có nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn như:
– Vũ điệu trái tim (Sherley Cheng)
– Từ sông Nile đến sông Jordan (Tiểu thuyết của Ada Aharoni)
– Bị bán (Tiểu thuyết của Patricia McCormick)
– Một đêm duy nhất (Tập truyện ngắn của R. Tagore)
– Triệu phú khu ổ chuột (Vikas Swarup. Bản dịch được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010)
– Cuộc sống không giới hạn – Nick Vujicic
– Không gục ngã (tự truyện)
v.v…