Lời xin lỗi Việt Nam từ một người mẹ Mỹ
Chùm tin Kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020)
Ngày 30/4/1975 đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử hào hùng của dân tộc chiến tranh chấm dứt và hòa bình trở lại với nhân dân và đất nước Việt Nam. Trở về sau cuộc chiến, những người lính Mỹ và người thân của họ mang trong mình nhiều nỗi niềm khác nhau về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Đối với bà Cecila M.Goto người mẹ của một người lính hải quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã mang trong mình nỗi niềm day dứt trong gần 20 năm cho đến khi bà thực hiện được sự day dứt trong lòng mình.
Món quà không mang đến niềm vui
Con trai của bà Cecila M.Goto, một người lính hải quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Khi trở về anh đã tặng cho mẹ của mình một món quà là đôi hoa tai. Nhưng khi biết rằng đôi hoa tai này được được làm từ những chiếc nhẫn cưới của những người lính Việt Nam đã hy sinh, người mẹ ấy đã thực sự đau lòng, mặc cảm và day dứt. Cảm giác ấy cũng như cảm nhận về tội lỗi của con trai mình đã theo bà trong suốt 2 thập kỷ. Cho đến khi bà quyết tâm và tìm cách trao gửi lại đôi hoa tai về với Việt Nam để giành lại sự thanh thản trong lòng.
Đôi hoa tai cùng lá thư xin lỗi mà bà Cecila M.Goto gửi trả lại Việt Nam
Lá thư và đôi hoa tai được gửi tới ông giám đốc Bưu điện Đà Nẵng lúc bấy giờ và thật tình cờ lại đúng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ – ngày 26/7/1994. Trong thư bà viết: “Thưa ngài! sau cuộc chiến tranh Việt Nam, người lính trẻ đã mang về quê mình, nước Mỹ, đôi hoa tai vàng này và đem làm quà cho mẹ mình. Giờ đây, tôi xin gửi trả lại đôi hoa tai đó về nơi xuất xứ và xin được tha thứ. Tôi hiểu rằng, đôi hoa tai đó đã được đánh bằng những chiến nhẫn cưới của những người lính Việt Nam đã chết. Chuyện thực buồn, tôi thực đau lòng. Tôi tin rằng, chính đôi hoa tai đã mang lại bao nhiêu phiền muộn đau đớn và rủi ro cho người lính trẻ kia, và rằng anh ta đã phải sống qua những tháng năm bi thảm. Xin nhờ ông đem chôn đôi hoa tai này xuống mảnh đất quê hương ông. Nó có thể giúp xoa đi những tội lỗi và đem lại hòa bình cho mọi người trên trái đất. Xin cảm ơn ông!”
Lá thư ấy dường như chứa đựng lời tạ lỗi từ một người mẹ Mỹ đến tất cả những gia đình chiến sĩ Việt Nam, tất cả người dân Việt Nam về những gì quân đội Mỹ đã làm và con trai bà đã làm trên mảnh đất này. Lá thư và đôi hoa tai đã quay trở về với quê hương, cầu chúc cho người mẹ ấy đã có được sự thanh thản của mình.
Hơn cả một ý nguyện
Ý nguyện của người mẹ Mỹ là chôn đôi hoa tai này trên mảnh đất quê hương Việt Nam, vậy vì sao, sau gần nửa thế kỉ kết thúc cuộc chiến, hôm nay lá thư và đôi hoa tai ấy được giới thiệu cùng công chúng…
Câu chuyện về lá thư và đôi hoa tai đã xuất hiện trên Báo Quân đội Nhân dân số 11931 ra ngày 7/8/1994 và Báo Sài Gòn giải phóng số 6134 ra ngày 8/8/1994. Điều này đã gây chú ý không chỉ với đội ngũ sưu tầm của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mà còn cả những nhà lãnh đạo nữ thời kỳ đó. Thay vì để đôi hoa tai ấy chôn vào lòng đất mẹ thì các cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vào Đà Nẵng để xin có thể được lưu giữ, bảo quản hiện vật này. Sau một thời gian đi sưu tầm cùng rất nhiều văn bản, giấy tờ và gửi thư xin ý kiến của bà Cecila M.Goto đến ngày 5/12/1994, đôi hoa tai cùng lá thư chính thức trở thành hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam như một minh chứng cho nguyện vọng được tha thứ của bà mẹ Mỹ về tội lỗi của đứa con mình trên mảnh đất Viêt Nam và niềm hi vọng cho hòa bình luôn tồn tại trên trái đất.
Hai tờ Báo Quân đội nhân dân và Sài gòn Giải phóng đưa tin về câu chuyện của bà Cecila M.Goto