Món quà bình yên từ đạn dược chiến tranh
Eureka – tiếng reo gắn liền với phát minh vĩ đại của nhà toán học người Hy Lạp luôn là biểu tượng cho cảm xúc của sự sáng tạo, tìm tòi và khám phá những điều mới mẻ. Trong tuần lễ Bảo tàng năm nay, chúng tôi dành chủ đề “Eureka” để giới thiệu câu chuyện về một hiện vật gắn với đôi bàn tay khéo léo và khối óc tài hoa của lớp người đi trước trong thời kỳ kháng chiến.
Đây là lọ hoa của Trung đội nữ dân quân trực chiến Đông Phương Hồng, thị xã Ninh Bình sử dụng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Chiếc lọ là món quà của đơn vị bộ đội kết nghĩa 279 làm để dành tặng cho các nữ chiến sĩ. Điều đặc biệt của lọ hoa không nằm ở vẻ bề ngoài, mà ở chính nguyên liệu tạo ra nó. Bởi lẽ, nó không được làm từ các vật liệu thông thường như gỗ, thủy tinh, gốm… mà được đúc từ vỏ đạn pháo 57 ly. Và 32 cái tên của các cô gái trong Trung đội được ghép vần như một bài thơ được khắc lên thân lọ như để tô điểm thêm cho món quà ý nghĩa này.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh, từ năm 1968 – 1973, lọ hoa ấy luôn có mặt trong các cuộc họp, sinh hoạt Đoàn thanh niên, tổ chức các lễ kỉ niệm…. của các nữ chiến sĩ Đông Phương Hồng. Chiếc lọ đã chứng kiến lễ kết nạp Đảng viên của 17 cô gái trong Trung đội. Hẳn lính Mỹ sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng thứ vỏ của một loại đạn pháo có tính sát thương lớn lại được các cô gái Việt Nam dùng làm lọ cắm hoa ngay trong những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến.
Một lọ hoa tuy đơn sơ nhưng mang nhiều giá trị. Nó không chỉ là “nhân chứng” còn mãi cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn thể hiện sự nhạy bén, linh hoạt và khéo léo của người dân Việt Nam, phụ nữ Việt Nam khi biến một tàn dư đạn dược của chiến tranh thành một món đồ hữu ích thật mềm mại, đẹp đẽ và bình yên. Và đó cũng là lúc “khoảnh khắc Eureka” ra đời, mang tới câu chuyện về tấm lòng, tình cảm đồng đội trong thời chiến qua một đồ vật nhỏ bé nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn.