Một đời đấu tranh, một đời cống hiến

Với một đất nước mà phần lớn thời gian lịch sử phải gồng mình trong những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm như Việt Nam, thì phụ nữ của mảnh đất nhỏ bé này cũng đã được tôi luyện trí thông minh, lòng gan dạ và đức hy sinh để có thể đương đầu vởi kẻ thù. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử 1945 của dân tộc ta, những đóng góp của phụ nữ đều xuất hiện hầu hết ở các lĩnh vực, nhiều tên tuổi gắn liền với phong trào phụ nữ và phong trào Cách mạng như Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Thị Ái,… Trong số đó, cái tên Hà Thị Quế – “Bà tướng Việt Minh” là một trong những cái tên tiêu biểu mà quân địch phải run sợ khi nghe đến trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Bắc Giang năm 1945.

Chân dung bà Hà Thị Quế

Bà Hà Thị Quế sinh tháng 8/1921 ở xã Lũ Phong, tổng Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (nay là xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, bà Hà Thị Quế đã giúp đưa thư và báo, mời họp, dự những buổi học chữ, buổi nghe nói chuyện về truyền thống đấu tranh của dân tộc, về Cách mạng Nga,… Ý chí đấu tranh cho độc lập dân tộc của bà cũng bắt đầu nhen nhóm từ đó.

Với sự hoạt động tích cực của bà, năm 1941, khi mới 20 tuổi, bà Hà Thị Quế được bầu làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc của xã và tham gia ban cán sự phụ nữ huyện. Đầu năm 1944, bà Hà Thị Quế được về công tác tại ban cán sự khu sư đoàn 2 của Trung ương (đóng ở Hiệp Hòa, Bắc Giang), Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên).Vào khoảng tháng 5, tháng 6 cùng năm, bà tham gia ban cán sự tỉnh Đảng bộ Bắc Giang, phụ trách 2 huyện Yên Thế và Việt Yên cùng một phần huyện Lạng Giang. Bà chịu trách nhiệm thành lập các chi bộ Đảng (ở huyện Yên Thế thành lập được 2 chi bộ, ở Việt Yên 1 chi bộ) và củng cố các đoàn thể: Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc,… đồng thời chọn người tích cực để thành lập tự vệ chiến đấu và huấn luyện quân sự cho các xã. Lúc ấy bà mới 23 tuổi.

Bà Hà Thị Quế rất có tài chỉ huy vũ trang. Đầu tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, bọn phỉ hoành hành rất dữ ở Yên Thế. Bà đã chỉ huy lực lượng tự vệ, bắt những tên cướp rồi công khai lập nên tòa án nhân dân xử tử 3 tên tướng cướp ở các vùng: Bố Hạ, Yên Lý, Cao Thượng. Sau lần đó, tiếng tăm đánh phỉ, bắt cướp của bà nổi khắp địa phương.

Không chỉ có tài chỉ huy đánh trận, bà Hà Thị Quế còn có tài ngoại giao khéo léo, thu phục lòng người. Tri phủ phủ Yên Thế lúc đó tên là Tường Văn Trang, hắn là kẻ rất tàn ác, ra tay không thương tiếc với những người theo Việt Minh. Tháng 7/1945, bà Hà Thị Quế đã chỉ huy trận đánh phủ Yên Thế. Lực lượng lúc này của bà khá ít, chỉ gồm 7 trung đội tự vệ chiến đấu, là lực lượng ở các xã điều lên cùng với lực lượng ở huyện do bà chỉ huy. Bà liên hệ và thuyết phục được đội Cương (chỉ huy lính phủ đi tuần) về phe mình và nạp thêm được đa số lính đi tuần và xa phủ vào lực lượng tự vệ của bà. Kết quả trận đánh phủ Yên Thế đã thành công và tên tri phủ bị xử tử. Cũng trong tháng 7/1945, bà chỉ huy đánh úp thành công đồn Bố Hạ.

Với thành tích lớn như vậy, bà Hà Thị Quế là đại biểu nữ duy nhất của Bắc Giang được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra tại Đình Tân Trào (Tuyên Quang) vào chiều 16/8/1945. Ngay sau khi dự xong hội nghị và trở lại Bắc Giang vào ngày 17/8, bà cùng ban lãnh đạo Cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Lạng Thương. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang đã hoàn toàn thắng lợi. Cùng với nhân dân cả nước trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử này, bà Hà Thị Quế và Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân Bắc Giang đập tan xiềng xích nô lệ, góp phần đưa đất nước sang kỷ nguyên độc lập. Trong cả hai lần hạ phủ Yên Thế và khởi nghĩa giành chính quyền, bà đã sử dụng khẩu súng lục ST – ÉTIENNE hiện đang được trưng bày tại chủ đề Phụ nữ trong lịch sử thuộc hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Danh xưng “Bà tướng Việt Minh” có từ sau những sự kiện trên.

Khẩu súng lục ST - ÉTIENNE của bà Hà Thị Quế

Khu vực trưng bày về bà Hà Thị Quế tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Nguyên chiếc súng này là thu được của Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt (lúc này là Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ) trao cho bà vào tháng 5/1944. Bà Hà Thị Quế vẫn tiếp tục sử dụng khẩu súng trong các hoạt động của mình đến năm 1947. Ngay sau khi Cách mạng thành công, bà Hà Thị Quế được cử vào Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Bắc Giang và đảm nhận nhiều trọng trách: Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách lực lượng quân sự toàn tỉnh, đồng thời vẫn phụ trách 2 huyện Yên Thế và Việt Yên.

Tháng 11/1046, Trung ương điều bà về Bắc Ninh làm Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách 2 huyện Gia Lâm, Thuận Thành và cuối năm 1947, bà được bầu làm Bí thư Phụ nữ liên khu 10. Từ đây trở về sau, bà liên tục được bầu vào những vị trí có trọng trách cao hơn. Cuối năm 1949, bà được đều về Phụ nữ Trung ương phụ trách các mặt công tác của Hội như: kiểm tra, công tác phong trào Cách mạng, nghiên cứu,… Năm 1953, bà được cử làm trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế “Thế giới bảo vệ thiếu nhi” ở Áo. Năm 1960, bà được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kiểm tra của Đảng và được bầu làm Phó chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam một năm sau đó. Theo bà Hà Thị Quế, phụ nữ là những người phải chịu mất mát và hy sinh nhiều nhất nên bà rất quan tâm đến đời sống chị em phụ nữ, muốn họ có cuộc sống tốt hơn. Bà mạnh dạn đề bạt các cán bộ nữ kể cả nông dân hay trí thức. Bà cũng luôn nêu ra yêu cầu cải thiện cuộc sống cho phụ nữ trong các bản tham luận ở Quốc hội hay trong các hội nghị. Bên cạnh đó, bà còn đấu tranh để phát huy vai trò của người phụ nữ nhằm đưa tỉ lệ phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng cao. Năm 1974, bà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (nhiệm kỳ 1974-1982) diễn ra từ ngày 4- 7/3/1974 tại Hà Nội, bà Hà Thị Quế cùng hội nghị đã đề ra 6 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ làm tròn nghĩa vụ với cách mạng miền Nam và phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, cùng phụ nữ cả nước chăm lo cho gia đình, đảm bảo sản xuất kinh tế phục vụ tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi mùa xuân năm 1975 của dân tộc. Sau khi đất nước thống nhất, để thực hiện chủ trương thống nhất các đoàn thể nhân dân và Mặt trận 2 miền, từ ngày 10 – 12/6/1976,  Hội nghị Hợp nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, lấy tên chung là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và chủ tịch là bà Hà Thị Quế. Bà nghỉ hưu năm 1984 và mất năm 2012.

Bà Hà Thị Quế cũng là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ Việt Nam yêu nước khác. Với lòng thương nhân dân trong khốn đốn lầm than, với khát khao độc lập cho dân tộc, với ý chí mang hòa bình cho quê hương, với niềm tin đất nước sẽ vươn tầm quốc tế và với mong ước khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ; bà đã dùng tài trí, sức lực cả đời mình phục vụ cho những mục đích cao cả đó. Chúng ta hãy cùng nhìn lại một số hình ảnh hoạt động của bà Hà Thị Quế từ năm 1955 đến 1995.

Bà Hà Thị Quế đọc tham luận tại Hội nghị Hội đồng phụ nữ dân chủ quốc tế họp tại Giơ – ne – vơ (Thụy sĩ) năm 1955

Bà Hà Thị Quế quàng chiếc khăn kỷ niệm cho bà Ơ – giêm Cô – tông, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, tại kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế họp tại Giơ – ne – vơ, Thụy Sỹ, từ 9 – 13/2/1955

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Quế tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 39 Hàng Chuối, Hà Nội, tháng 9/1969

Bà Nguyễn Thị Thập, bà Nguyễn Thị Định, bà Hà Thị Quế và bà Lê Thị Xuyến tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ V, năm 1982. (Từ trái sang phải: Bà Nguyễn Thị Thập, bà Nguyễn Thị Định, bà Hà Thị Quế, bà Lê Thị Xuyến)

Bà Hà Thị Quế tại Hội nghị kỷ niệm 30 năm phong trào “3 đảm đang” ( 3/1965 – 3/1995) – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, năm 1995