Người vận chuyển thời nào cũng quan trọng

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid – 19 hiện nay, những người vận chuyển hàng hóa mà chúng ta thường gọi là “shipper” trở thành cầu nối không thể thiếu trong công tác đảm bảo vận chuyển hàng hóa được thông suốt trong thời gian giãn cách. Nhắc tới “shipper”, chúng ta hay nghĩ đến nam giới vì sức khỏe của họ dẻo dai, có thể chịu mưa nắng trong thời gian dài. Nhưng thực tế, các chị em phụ nữ cũng là những người vận chuyển cừ khôi không kém. Nhớ lại những trang sử hào hùng của dân tộc, chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp năm 1954 thắng lợi cũng là nhờ một phần công rất lớn của các chị em dân công gánh bộ đã vận chuyển lương thực, thực phẩm nhanh chóng và kịp thời lên chiến trường cho bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều chị em phụ nữ như nữ thanh niên xung phong, giao liên, phụ nữ các dân tộc đã ngày đêm vượt rừng núi giao hàng hoá, lương thực và thực phẩm đến các binh trạm, chiến trường, đồng thời vận chuyển cả các cán bộ, thương binh,….

Hình ảnh dân công gánh bộ cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

Phụ nữ dân tộc Thái ở Sơn La vận chuyển gạo phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ 1954

Phụ nữ đồng bào dân tộc Pakô phục vụ mặt trận Trị Thiên trong cuộc Cách mạng Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Nữ giao liên đồng bằng sông Cửu Long chuyển hàng ra tiền tuyến

Trung đội Thanh niên xung phong C2012 chuyển thương binh về tuyến sau

Một trong số các kỷ vật đặc biệt của các nữ vận chuyển hàng hóa thời ấy là chiếc đèn chai tự tạo của nhà sư nữ Đàm Duyên sử dụng trong hai lần đi dân công gánh bộ phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, hiện đang được lưu giữ tại khu vực Phụ nữ trong Lịch sử thuộc hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Chiếc đèn chai tự tạo của nhà sư Đàm Duyên

Nhà sư Đàm Duyên, quê ở xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, tu hành tại chùa Nam Ngạn. Trong số dân công của tỉnh Thanh Hoá, phụ nữ chiếm 2/3. Hàng vạn chị em đã xung phong đi dân công những đợt dài từ 6 đến 7 tháng. Mặc dù nhà chùa không thuộc diện phải tham gia nhưng sư Đàm Duyên đã hai lần xung phong đi dân công và trong cả hai lần chiếc đèn chai 0,65 lít này đều được nhà sư sử dụng để soi đường gánh gạo tiếp tế cho các trận địa. Vận chuyển trong điều kiện vô cùng khó khăn, ngày nghỉ đêm đi để bảo đảm bí mật, hàng trăm người trong đoàn dân công với đôi bồ nặng gạo và chiếc đèn chai treo ở đầu đòn gánh đã không quản ngại mưa rừng, gió bấc, trèo đèo, lội suối vượt qua hàng ngàn cây số đường rừng để đưa gạo lên các chiến trường được nhanh nhất. Điều kiện sinh hoạt cũng rất khó khăn và thiếu thốn, bữa ăn tự nấu và thức ăn mặn chủ yếu là mắm cô mang theo từ nhà. Có nhiều lúc nhà sư Đàm Duyên và những người trong đoàn phải lấy nước ở các vũng lầy trong rừng để dùng.

Khó khăn, gian khổ không thể ngăn các nữ giao hàng thời chiến luôn tràn ngập niềm vui vì được góp một phần công sức vào sự nghiệp chung của đất nước, trước là sự nghiệp kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nay là sự nghiệp chống “giặc” Covid – 19 vô hình nhưng nguy hiểm không kém. Những người làm công tác vận chuyển hàng hóa vẫn gắng sức ngày đêm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và cộng đồng. Chúng ta hãy cầu chúc các “shipper” luôn được bình an, khỏe mạnh, nâng cao ý thức bảo vệ cho chính mình, có như vậy thì mới hoàn thành tốt công việc, thúc đẩy nhanh quá trình thắng lợi chung của đất nước.