Sự khởi đầu nhỏ bé

Chủ đề đầu tiên trong “Tuần lễ Bảo tàng” năm nay là “Ngày xửa ngày xưa”, đây là cơ hội tuyệt vời để Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tri ân công lao của bà Nguyễn Thị Định và hành trình cùng chị em cả nước xây dựng nên Bảo tàng.

Ngược dòng quá khứ trở về những năm 80 là khi ý tưởng thành lập và xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được khởi xướng. Thật tuyệt vời bởi đây là nguyện vọng của đông đảo phụ nữ cả nước với mong muốn có một công trình văn hóa vì mục tiêu gìn giữ, quảng bá nét đẹp, các giá trị truyền thống và những đóng góp của phụ nữ Việt Nam cho đất nước. Khi ấy, có một người phụ nữ đã dành trọn tâm huyết để biến mong ước của hàng triệu phụ nữ Việt Nam thành hiện thực. Đó là bà Nguyễn Thị Định và hành trình cùng chị em cả nước xây dựng nên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

 

Chân dung bà Nguyễn Thị Định – vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Trong bối cảnh đất nước đang còn thiếu thốn, hơn ai hết, bà Ba Định hiểu rõ những khó khăn, trở ngại khi xây dựng bảo tàng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, bằng sự chiêm nghiệm của cuộc đời đã đi qua hai phần ba thế kỷ, trải qua hai cuộc kháng chiến, bà càng thêm trân quý đất nước, con người và phụ nữ Việt Nam. Chính lẽ đó đã thôi thúc bà tìm ra giải pháp để sớm hoàn thành lời hứa với phụ nữ cả nước.

Với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bà khuyến khích các cấp Hội phụ nữ đóng góp tài liệu, hiện vật, vật tư, tài chính để xây dựng Bảo tàng. Bà kêu gọi mỗi hội viên phụ nữ góp một quả trứng vịt tương đương với 1.000 VNĐ. Hoặc đó có thể là vật lực, tài lực, tuyên truyền, giới thiệu về bảo tàng. Hưởng ứng lời kêu gọi của bà, chị em phụ nữ ở địa phương, cơ sở, các cấp, các ngành đã cùng chung sức chắt chiu từ hạt thóc, cân rau, quả trứng, một ngày lương, tiền thưởng… để trích tặng Bảo tàng. Chính Bà cũng rất tích cực vận động và tham gia đóng góp. Dù đi công tác ở đâu, trong nước hay nước ngoài, bà đều sưu tầm những tài liệu và hiện vật cho Bảo tàng.

Chỉ từ sự bắt đầu nhỏ bé đó, phụ nữ Việt Nam đã đồng lòng đóng góp được 3000 tài liệu, hiện vật, một số vật tư kỹ thuật và 2 tỷ đồng. Với thời điểm ấy, con số này là vô cùng lớn. Đó là nền tảng được tạo nên từ tình đoàn kết, niềm tự hào lịch sử, sự gắn bó và tình cảm của nhiều thế hệ phụ nữ, để rồi một Bảo tàng của Phụ nữ Việt Nam được ra đời và phát triển đến ngày nay.

Bà Nguyễn Thị Định phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị bàn về công tác xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tháng 12/1986

Bà Nguyễn Thị Định duyệt mô hình nhà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Sở Xây dựng Hà Nội năm 1991

Đoàn khách tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam những năm 90

Hơn 30 năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vẫn luôn là “địa chỉ đỏ” về lịch sử văn hóa, là nơi bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của phụ nữ Việt Nam đến gần hơn với công chúng. Câu chuyện của “ngày xửa ngày xưa” ấy vẫn luôn là ký ức xúc động với nhiều phụ nữ từng đi qua thời kỳ đó. Đây cũng là động lực để nhiều lớp cán bộ Bảo tàng không ngừng phấn đấu và phát triển, góp một phần công sức vào việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc như đúng tâm nguyện của vị nữ tướng Nguyễn Thị Định.