Thống nhất đất nước

Sau Hiệp định Pari ngày 27/1/1973, quân đội Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Chính quyền và quân đội Sài Gòn mất chỗ dựa, suy yếu dần. Trong khi đó, lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam ngày càng phát triển, vùng giải phóng được mở rộng. Cuối năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Cùng với quân dân cả nước, phụ nữ tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; bao vây, tháo gỡ đồn bót địch, giải phóng nhiều vùng nông thôn, giành chính quyền ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn.

Bà Nguyễn Thị Bình ký hiệp định Paris

Ngày 14/4/1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh“. Trong chiến dịch này phụ nữ đã cùng với nhân dân nổi dậy chiếm lĩnh, làm chủ và bảo vệ các cơ sở kinh tế, chính trị văn hóa quan trọng; tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực tiến vào thành phố, góp phần đưa sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Từ đây, non sông thu về một mối, nhiều gia đình được đoàn tụ sau nhiều năm xa cách.

Bức ảnh ″Ngày hội ngộ″

Bức ảnh này ghi lại khoảnh khắc đoàn tụ của ông Lê Văn Thức – một trong 36 tử tù Côn Đảo và mẹ của mình sau 7 năm xa cách. Ông Thức nguyên là một cán bộ tình báo hoạt động trong lòng địch. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, do sơ suất của người liên lạc nên ông bị lộ, bị bắt và tuyên án tử hình. Tháng 11/1968, giặc đày ông ra giam giữ ở Côn Đảo. 

Ngày 4/5/1975, sau khi Sài Gòn giải phóng, ông Thức và một số tù nhân được trở về đất liền trên chuyến tàu đầu tiên. Nghe tin có đoàn tử tù từ Côn Đảo trở về, mẹ của ông Thức đã lặn lội từ Bến Tre ra Vũng Tàu tìm con. Ngày ông Thức ra đi, bà Bích mang nỗi buồn thẩm sâu vì nghe tin con mình theo giặc. Đến khi biết được ông vẫn một lòng với cách mạng, thì bà Bích lại khóc nỗi đau con mình mang án tử hình. Những tưởng sẽ không bao giờ có thể gặp lại đứa con mình, nên khi vừa gặp lại ông Thức, hai mẹ con bà chỉ biết ôm chầm lấy nhau khóc nức nở trong khoảnh khắc trùng phùng.

Khoảnh khắc này được Lâm Hồng Long, phóng viên thời sự Thông tấn xã Việt Nam chụp. Bức ảnh được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế trao bằng Tuyên dương danh dự tại Tây Ban Nha năm 1991.