Hãy tìm đến thăm “Người chồng chưa cưới của em”
Năm 1971, khi tuổi xuân còn phơi phới cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng Nhãn đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Binh trạm 15, kho Z4, Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ khuân vác đạn dược, quân tư trang.
Năm 1972, trong một lần đi công tác chị bị sức ép của bom hắt xuống ngầm và bất tỉnh, chị đã được một đồng chí lái xe đưa đi cấp cứu tạị bệnh viện dã chiến, 10 ngày sau tỉnh lại biết mình thoát chết, muốn gặp đồng chí lái xe để cảm ơn, nhưng không biết đồng chí đó tên gì, ở đơn vị nào. Mãi đến năm 1973 chị bất ngờ gặp lại người lái xe đã cứu sống mình một năm về trước tên là Nguyễn Mạnh Cường quê Thái Bình. Cùng làm việc trong một đơn vị (D76, E11, F571 đoàn 559). Anh bộ đội Nguyễn Mạnh Cường đã dành sự quan tâm đến chị Nhãn và đem lòng yêu chị nhưng chưa được chấp nhận. Đến năm 1974 sau một trận ốm, chị được anh Cường sự chăm sóc tận tình, cảm động trước tấm lòng chân thành ấy chị đã nhận lời yêu anh. Tình yêu của hai người được thông qua những lá thư gửi cho nhau, thể hiện tình cảm yêu quý, nhớ thương và hứa hẹn cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 1975 chị Nhãn ra quân trở về địa phương, anh Cường vẫn ở đơn vị. Hai người vẫn viết thư cho nhau. Cuối năm 1976 chị Nhãn ít trả lời thư anh Cường hơn, vì lúc này gia đình nhất là mẹ phản đối gay gắt mối quan hệ của hai người. Mẹ đã nói với chị: “Mày đi 4 -5 năm rồi bây giờ mày lại đi lấy chồng thiên hạ nữa thì coi như mẹ mất con”. Nghĩ đến tình mẫu tử chị đã rất khó khăn và khổ tâm khi đưa ra quyết định của mình, nhưng cuối cùng chị đành hy sinh chữ “Tình” để làm tròn chữ “Hiếu”.
Đến năm 1985 chị bị một trận ốm nặng tưởng không qua khỏi nên đã viết thư để lại dặn chồng và các con: “Nếu chẳng may điều kiện xấu nhất đến với em và sự xa cách đau thương đến với chồng và các con quá sớm…khi các con trưởng thành, anh hãy đưa địa chỉ này cho các con tìm đến thăm “Người chồng chưa cưới” của em ngày sống trong quân ngũ, điều này anh hãy chiều và tha thứ cho em phòng khi em qua đời quá sớm, khi các con còn thơ dại chưa biết gì…!”. Sau một thời gian sức khỏe của bà hồi phục, lá thư được bà cất đi để làm kỷ niệm. Lá thư là một trong số 47 hiện vật mà bà Hồng Nhãn đã tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt nam lưu giữ. Hiện nay cả bà Nhãn và ông Cường đều đã có gia đình riêng, con cái trưởng thành. Họ gặp nhau trong mỗi lần đơn vị tổ chức gặp mặt và coi nhau như người đồng đội, mối tình năm xưa chỉ là một kỷ niệm đẹp.