Nữ bác sỹ giấu chuyện mang thai để vào chiến trường

Đó là câu chuyện đầy cảm động của bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu và ông Nguyễn Lân Dũng. Năm 1970, khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Chống mủ xanh cho thương binh” ông Nguyễn Lân Dũng thường xuyên làm việc tại Viện quân y 108, nơi cô bác sỹ trẻ Nữ Hiếu công tác. Được sự giới thiệu của đồng nghiệp, họ đã đến với nhau nhờ có rất nhiều điểm chung đó là sự tận tâm, nhiệt huyết và say mê công việc. Bà Hiếu kể lại “Thời đó có rất ít phim chiếu rạp, nhưng không hiểu bằng cách nào, vợ chồng anh Quang (bác sỹ đồng nghiệp) kiếm được 4 vé rồi rủ tôi và anh Dũng đi xem phim. Chúng tôi quen nhau rồi yêu nhau đơn giản như thế. Thời mới quen nhau, ấn tượng của tôi về anh Dũng là một người đàn ông rất nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát. Tôi mến anh Dũng bởi sự chân thành, thật thà, sống tình cảm và luôn nhiệt tình và hết mình với công việc”.

Thiệp báo hỷ và ảnh cưới của ông bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu và Nguyễn Lân Dũng năm 1971

Một lễ cưới thời chiến đã diễn ra giản dị và đơn sơ, chỉ là tiệc trà. Bà Hiếu nhớ lại “Khi đó bố mẹ bà chỉ gửi thiếp báo hỷ thông báo con gái đã xây dựng gia đình. Tiệc trà chỉ mời đại diện gia đình, họ hàng và bạn bè thân thiết đến chung vui. Lễ cưới được tổ chức ở nhà gái, nhà trai chỉ đến dự”.

Đầu năm 1972, chiến trường Quảng Trị khốc liệt giữa ta và địch. Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” bác sỹ trẻ Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã xung phong vào chiến trường. Nhận được lệnh điều động của đơn vị cũng đúng là lúc bà có những dấu hiệu đầu tiên của việc thai nghén. Giấu cơ quan, giấu cả gia đình, vợ chồng bà quyết định đến khám tại bệnh viện C và vui mừng khôn xiết khi biết họ đã có tin vui. Mang thai đứa con đầu lòng ở độ tuổi đã 30, là bác sỹ hơn ai hết bà Hiếu hiểu được những khó khăn nếu có chuyện xảy ra với cái thai trong bụng. Hai vợ chồng đứng trước một quyết định khó khăn, một bên là giữ an toàn cho cái thai trong bụng, đứa con đầu lòng của hai vợ chồng và một bên là nhiệm vụ của một người lính – bác sỹ, cũng là nguyện vọng tha thiết của bà từ lâu nay. Cuối cùng, nhận được sự động viên của chồng, bà Hiếu quyết định vào chiến trường cùng đội bác sỹ phẫu thuật Đoàn 730B hành quân vào chiến trường Quảng Trị.

Cũng như các đơn vị khác, Đoàn 730B phải mất cả tháng trời vượt Trường Sơn rất vất vả, bà Hiếu còn nhớ: “Cứ mỗi ngày chúng tôi vượt một quả núi, sáng leo lên chiều leo xuống, vai khoác balô đựng quân tư trang cá nhân, vai đeo súng. Có những đoạn dốc quá, chỉ có cách ngồi và trượt xuống. Nhiều khi hành quân một bên là vực sâu, một bên là vách núi. Cả đoàn chỉ có cách bám vào vách núi và bước lên những tảng đá chỉ đặt vừa bàn chân mà đi…”. Bà Hiếu đã quyết tâm vào tới chiến trường Hướng Hóa, Quảng Trị trước sự cảm phục của các đồng đội. Tháng 7/1972 khi cái thai đã được hơn bảy tháng, để đảm bảo an toàn bà được đơn vị điều chuyển ra bắc. Dù thời gian trực tiếp cứu chữa thương binh chỉ vài tháng, nhưng ngay từ đặt chân tới trạm xá, bà đã luôn hoạt động tích cực, vừa làm bác sỹ điều trị, vừa làm y tá, hộ lý, phục vụ, chăm sóc thương binh…

Bác sỹ Nguyễn Kim Nữ Hiếu khám chữa cho thương bệnh binh tại chiến trường năm 1972

Gần 50 năm đã trôi qua, hai vợ chồng họ nay đã trở thành bác sỹ, nhà khoa học có tên tuổi và có những công trình khoa học vô cùng có ý nghĩa cho xã hội. Con trai đầu của họ, anh Nguyễn Lân Hiếu nay đã trưởng thành, là một trong số những PGS, bác sỹ đầu ngành, Giám đốc bệnh viện đại học Y Hà Nội, đại biểu quốc hội khóa XIV. Câu chuyện giấu gia đình, đồng nghiệp vào chiến trường lúc mang thai đã được kể lại và hiện đang trưng bày tại triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”. Xúc động khi nhìn lại những hình ảnh ngày đó, bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu nghẹn ngào chia sẻ “Ngày ấy tôi không sợ chết, vì đã xác định đi vào nơi bom đạn, sống chết cũng là chuyện bình thường. Nhưng cái sợ nhất là sợ mất đi đứa con mình mang trong bụng. Thời gian ở chiến trường, chúng tôi thường xuyên lấy nước sinh hoạt ngoài suối và hái rau rừng để ăn. Tuy nhiên thật may mắn tôi vẫn khỏe mạnh và đảm đương mọi nhiệm vụ như những người khác. Được tham gia nơi chiến trường là nguyện vọng và cũng là niềm tự hào của chúng tôi khi đó”.

Đại tá.PGS.TS.TTND.Nguyên PGĐ bệnh viện 108 Nguyễn Nữ Kim Hiếu chia sẻ những kỷ niệm thời chiến với cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam