Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ: Lá thư gửi mẹ

“….Ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Còn ban ngày, chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con. Thằng Mỹ có hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ bé này….” – đây là trích đoạn trong bức thư của chị Võ Thị Tần – tiểu đội trưởng tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 P18 Hà Tĩnh viết ngày 19 tháng 7 năm 1967 gửi về thăm mẹ. Nhưng có ai ngờ được đây lại là bức thư cuối cùng chị gửi cho mẹ. Bởi vì chỉ năm ngày sau (ngày 24/7/1968), sau 18 lần địch dội bom bắn phá ác liệt, chị cùng với chín cô gái thanh niên xung phong cùng đơn vị đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ sửa đường cho các đoàn xe chở hàng ra tiền tuyến.

Chị Võ Thị Tần sinh năm 1949 tại xã Thiện Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1965 chị nhập ngũ và được biên chế ở C552, P18 tỉnh Hà Tĩnh thuộc lực lượng thanh niên xung phong bảo vệ thông suốt các tuyến đường ra trận. Do có nhiều thành tích tốt trong công tác và chiến đấu, chị được ban chỉ huy đơn vị giao cho nhiệm vụ Tiểu đội trưởng tiểu đội 4, C552. Từ tháng 4/1967, chị cùng đơn vị nhận nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 15A đoạn trên ngã ba Đồng Lộc còn được mệnh danh là Tọa độ chết – một trọng điểm chiến lược quan trọng thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Chị cùng với đồng đội đã bám trụ nơi tuyến lửa ác liệt này gần 200 ngày đêm để đào đường, sửa đường, tháo gỡ bom nổ chậm và đảm bảo giao thông xe an toàn. Với tinh thần xả thân quên mình “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, tất cả 10 cô gái làm việc ngày hôm đó đều đã hy sinh khi tuổi đời con trẻ, bỏ lại phía sau những giấc mơ còn dang dở.

Mảnh đất Hà Tĩnh hôm nay phủ một màu xanh thắm của đồi thông, màu vàng ươm của đồng lúa, sẽ luôn nhớ về các chị – những đóa hoa bất tử. Và thế hệ trẻ hôm nay sẽ không bao giờ quên công ơn của thế hệ cha ông đi trước – những người đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam.