Phòng khám phá
Giới thiệu chung
Phòng khám phá của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là nơi dành riêng cho trẻ em đến tương tác, trải nghiệm các hoạt động sáng tạo và cũng là nơi bảo tàng thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục dành cho học sinh. Sau gần 7 năm hoạt động, phòng Khám phá đã phục vụ hàng chục ngàn lượt trẻ em tuổi từ 3 – 14 tuổi.
Đây không chỉ là nơi giúp khách tham quan nhỏ tuổi được tìm hiểu sâu hơn nội dung hệ thống trưng bày thường xuyên bằng việc được cầm nắm, được thử, được thực hành hay tham gia các chương trình giáo dục, mà còn là nơi các em có thể tìm hiểu thông tin cơ bản về giới và giới tính, thúc đẩy bình đẳng giới, cũng như các kỹ năng cần có để nhận diện nguy hiểm và bảo vệ bản thân mình. Nội dung được thể hiện thành các bộ giáo cụ trực quan hoặc các trò chơi tương tác, trải nghiệm hướng đến tính chủ động, tránh sự nhàm chán trong việc tiếp thu thông tin cho các em học sinh.
Tháng 10/2010, Phòng Khám phá ra đời cùng với sự kiện mở cửa trở lại Hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Sau một thời gian hoạt động, được sự đồng hành và ủng hộ của văn phòng Unesco tại Việt Nam, dự án đổi mới Phòng khám phá đã được thực hiện. Tháng 11/2017, Phòng Khám phá mở cửa trở lại với nhiều thay đổi trong nội dung tổ chức các hoạt động giáo dục tại phòng khám phá hướng tới các vấn đề xã hội.
Những hoạt động chính tại Phòng khám phá:
Góc giới và giới tính
Góc giới và giới được xây dựng với mục đích nâng cao nhận thức về giới, giới tính, bình đẳng giới, các kiến thức về sức khỏe sinh sản và kỹ năng bảo vệ bản thân, tiến tới xoá bỏ định kiến giới trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đây là khu vực chính chiếm phần lớn diện tích của phòng khám phá
Tại đây có các hoạt động như: Mình sinh ra như thế nào nhỉ?, Chúng mình giống và khác nhau như thế nào? Các kỹ năng bảo vệ bản thân? Việc của ai? và Chuyện hạt gạo. Nội dung được xây dựng với nhiều tính tương tác, tăng tính hấp dẫn mang đến việc tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Các hoạt động tại góc giới và giới tính được thiết kế mạch lạc, hướng dẫn cụ thể rõ ràng để phù hợp với học sinh đi theo nhóm lớn hoặc đi theo các gia đình nhằm khuyến khích cha mẹ hướng dẫn và trò chuyện với con về các vấn đề về sức khỏe sinh sản hay nâng cao nhận thức về vai trò của các thành viên trong công việc gia đình
Mình được sinh ra như thế nào nhỉ
Từ một trò chơi vận động nhẹ nhàng sẽ trả lời cho một câu hỏi từ lâu đã thắc mắc của các bạn nhỏ: “Mình được sinh ra như thế nào?”
Không chỉ vậy, trò chơi còn giúp cho những điều khó giải thích của bố mẹ như “làm thế nào để có em bé” trở nên đơn giản, dễ hiểu và còn bật mí những điều thú vị trong quá trình mang thai của mẹ. Trên tất cả, trò chơi hướng đến sự trân trọng giá trị của gia đình, tình yêu của bố mẹ đối với con cái.
Chúng mình giống và khác nhau như thế nào?
Ai rồi cũng sẽ lớn lên và bước vào tuổi dậy thì. Đó là cả một quá trình mà cơ thể và nhận thức của mỗi bạn nam hay nữ sẽ có những sự thay đổi giống và khác nhau. Trò chơi này sẽ giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản và nhận biết đúng về giới và giới tính. Những câu hỏi như “Chuyện gì đang xảy ra với tôi”, ” Sao lại thế?” sẽ được giải đáp bằng chính những gì các em tự thu hoạch được sau khi tham gia vào trò chơi, giúp các em có kỹ năng sống để tự tin hơn trong giai đoạn trưởng thành.
Mình sẽ làm gì để bảo vệ bản thân
Em có biết cứ 4 trẻ em gái có 1 trẻ bị xâm hại. Cứ 6 trẻ em trai có 1 trẻ bị xâm hại. Và 90% vụ việc xâm hại trẻ em đều là người quen biết! Các em nhỏ từ 4 đến 10 tuổi dễ gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất vì các em ở lứa tuổi thích khám phá nhưng lại chưa có đủ kỹ năng sống cơ bản. Trò chơi khám phá các ô cửa bí mật sẽ giúp em có những kỹ năng cơ bản để biết cách tự bảo vệ bản thân khi gặp những tình huống mà lứa tuổi các em hay gặp phải. Các em hoàn toàn có thể chơi trò chơi cùng bố mẹ, chơi một mình hoặc theo nhóm. Cũng có thể tạo nên những tiểu phẩm ngắn hài hước từ các tình huống đó…
Việc của ai?
Em có nghĩ rằng nên phân định rõ ràng công việc nhà giữa bố, mẹ và các thành viên trong gia đình? Trò chơi hứa hẹn nhiều điều thú vị khi các em được tương tác cùng cân thăng bằng. Rất nhiều em sau khi dành vài phút trải nghiệm đã ồ lên với hơi chút suy tư: Mẹ mình làm nhiều việc quá hay Bố mình làm nhiều việc quá! Cán cân lệch về một phía, giúp các em nhận ra rằng cần phải có sự điều chỉnh để cân bằng mọi công việc trong gia đình và mọi người nên biết chia sẻ để có một gia đình thực sự hạnh phúc.
Chuyện hạt gạo
Khi nhắc đến hạt gạo, chắc không ai xa lạ gì vì chúng ta vẫn được ăn cơm và các sản phẩm làm từ gạo hàng ngày. Hạt gạo được cha ông ta vẫn trân quý gọi bằng cái tên Ngọc Thực. Ngọc Thực sẽ trở nên sống động và gần gũi hơn với trẻ em qua những trò chơi tương tác vá khám phá.
Thông qua các hoạt động, các em sẽ được biết công dụng của hạt thóc, trấu, cám dùng để làm gì ? hay hiểu về các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa như: ngâm ủ và nảy mầm, đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông và chín…
Góc Hoạt động sáng tạo, tư duy
Sáng tạo và tư duy luôn là kỹ năng bảo tàng Phụ nữ Việt Nam muốn phát triển trong các chương trình giáo dục của mình. Với 3 mô hình khoa học được tài trợ bởi Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Australia: Những chiếc đinh thăng bằng, Những viên bi cân bằng, Tháp Brahma giải thích một số hiện tượng vật lý về trọng lượng, chuyển động và cân bằng; qua đó các em sẽ hiểu các hiện tượng trong cuộc sống như tại sao người ta có thể xây nhà và những túp lều mà không cần đinh, máy giặt giúp giặt sạch và vắt khô quần áo…
Bên cạnh đó, từ những viên “gạch” Lego nhiều sắc màu, các em có thể thỏa sức sáng tạo nên những mô hình mà mình mong muốn. Hoạt động rèn luyện tính kiên trì, giá trị lao động từ những sản phẩm do chính tay mình làm ra và vui hơn nữa khi cả gia đình sẽ cùng nhau sáng tạo một “công trình nghệ thuật” từ vô số những mảnh ghép đó… .
Góc Đọc sách
Đọc là một kỹ năng rất cần được khuyến kích đối với trẻ em đặc biệt trong thời buổi không gian tràn ngập các thiết bị điện tử như ngày nay. Không gian khu đọc sách thiết kế thân thiện giúp các em học sinh hứng thú hơn trong việc đọc và khám phá các kiến thức từ trang sách. Từ nhiều năm nay Góc đọc sách của bảo tàng thường nhận được sự ủng hộ của các Nhà xuất bản có uy tín như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ…và đặc biệt là sự hỗ trợ từ Quỹ Châu Á cho các đầu sách ngoại văn vì vậy các đầu sách ở đây đa dạng chủng loại từ sách văn học, truyện cổ tích, sách ngoại văn, sách hướng nghiệp, sách giáo dục giới tính đến sách chuyên ngành…
Các em học sinh không chỉ có thể đến đọc cá nhân mà bố mẹ cũng có thể tham gia vào quá trình đọc sách cùng con. Góc đọc sách của phòng khám phá thường xuyên là nơi tổ chức những buổi đọc sách tập thể của các câu lạc bộ như “Đọc sách cùng con” hay “I love reading”.