Câu chuyện đằng sau bức ảnh “Đường ra tiền phương”
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành vốn là phóng viên thời sự của Thông tấn xã Việt Nam từ năm 1958. Năm 1963, ông được cử làm phóng viên thường trú tại tỉnh Hà Nam Ninh (gồm 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay). Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, ông đã ghi lại nhiều hình ảnh quý giá mang tính thời sự ở khu vực này. Những ngày tháng trên mặt trận thông tin, tuyên truyền đầy hiểm nguy, vất vả nhưng ông luôn tự hào: “Mình là người lính không cầm súng nhưng vũ khí là máy ảnh theo người”. Có những bức ảnh sau khi ghi lại khoảnh khắc ấy là cả những câu chuyện mà ông nhớ mãi trong cuộc đời làm phóng viên của mình.
Hiện nay, khi đã ở tuổi ngoài 80, nhưng nhìn những bức ảnh mình đã chụp trong thời gian này, ông vẫn có thể kể lại một cách chi tiết, rõ ràng về hoàn cảnh cũng như câu chuyện của nó. Bức ảnh “Đường ra tiền phương” là một ký ức mãi không phai trong đời người phóng viên thời chiến.
Ông xúc động nhớ lại: “Vào một đêm tháng 6/1966, tôi đến cầu Gián Khuất, đoạn qua sông Đáy trên quốc lộ 1A đúng vào cái đêm định mệnh: Nguyễn Thị Phúc, đội viên Đại đội TNXP 193 Nam Hà đang chỉ đường cho đoàn xe qua cầu phao trong đêm, bất ngờ một loạt bom nổ giữa đầu cầu và cô bị cưa cụt một cẳng chân. Không kịp cấp cứu, máu ra nhiều, cô gái đã hy sinh. Ngay đêm sau, nhiều đội viên nữ trong đơn vị đã tranh nhau làm nhiệm vụ thay Nguyễn Thị Phúc. Tôi đã chụp tấm ảnh đêm đúng nơi cô gái ấy đã đứng, tay cầm lá cờ lệnh đỏ, tóc buông dài, vai mang súng, chỉ đường cho các đoàn xe ra trận…”
Bức ảnh tuy chụp phía sau lưng cô gái, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được sức mạnh, sự can đảm cũng như tinh thần quả cảm của cô gái – người thanh niên đã ngã xuống hòa máu xương vào lòng dân tộc. “Đường ra tiền phương” vẫn sống mãi trên các trang báo, tạp chí mãi tới nay và mai sau.